Từ xưởng trà của người phụ nữ Pà Thẻn...
Thôn Thượng Bình, xã Yên Thành là một trong những vùng trồng chè (trà) nổi tiếng ở huyện Quang Bình. Những ngày giữa tháng 4, chị Hủng Thị Dạng (dân tộc Pà Thẻn), tất bật thu hoạch, sơ chế và làm trà. “Khí hậu ở đây hợp với cây chè nên tôi quyết định dựa vào nó để phát triển kinh tế gia đình”, chị kể.
Tuy vậy, khởi nghiệp không bao giờ là chuyện đơn giản. Dù chè là nguồn thu nhập chính của người dân Thượng Bình nhưng ít người nắm vững kỹ năng chăm sóc, thu hoạch cũng như không biết cách nâng cao chất lượng búp chè. “Chúng tôi thường bán cho người buôn và đợi họ báo giá, giá này thường rất thấp và biến động theo giá thị trường”. Để cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè, người phụ nữ này đã nghĩ tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm.
Đầu năm 2022, chị cùng hơn 25 phụ nữ khác tại thôn Thượng Bình thành lập nhóm Tín dụng tự quản (VSLA) để tạo nguồn vốn phát triển kinh tế cho các chị em. “Chúng tôi tiết kiệm và cho những thành viên cần một khoản tiền nhỏ vay trong thời gian ngắn, thủ tục nhanh gọn để chi trả cho các hoạt động sinh kế”. Để thuyết phục chị em trong thôn tham gia nhóm VSLA, chị mời mọi người đến xưởng chè để làm công, vừa làm, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Đầu năm 2023, khi tổ chức CARE tại Việt Nam công bố hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, người phụ nữ nổi tiếng là người chăm chỉ và năng động ở thôn Thượng Bình biết đó là cơ hội của mình.
Đại diện tổ chức CARE tại Việt Nam cho biết, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nằm trong khuôn khổ dự án phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ mang tên “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án hướng tới 2.635 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số ở 9 xã thuộc 2 huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang). Dự án do Chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam.
“Thông qua làm việc với nhóm dự án, tôi có thể vạch ra kế hoạch kinh doanh. Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, tôi đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến trà”, chị Hủng Thị Dạng kể.
Chỉ 3 tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và được đào tạo kỹ thuật, chị đã có thể sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt “với giá cao hơn trước 15%”. “Chúng tôi đặt tên xưởng là Thượng Trà có nghĩa là trà từ vùng cao nơi tôi sống, và cũng có thể “Thượng” mang ý nghĩa phẩm cấp hàng đầu”, chị giải thích về tên xưởng.
… đến mô hình nuôi dê của chị em người Dao
Thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên nằm cách Thượng Bình 30km. Đường từ UBND xã Tiên Nguyên đến thôn Hồng Sơn dài hơn 4km. Nhiều đoạn cheo leo, chỉ đủ cho một bánh xe máy. Mùa mưa, đường thường xuyên sạt lở. Điều này khiến đời sống của bà con nơi đây, chủ yếu là người Dao, càng khó khăn hơn.
Ở Hồng Sơn, ai cũng biết chị Đặng Xà Trắm, Trưởng nhóm sinh kế nuôi dê theo mô hình VSLA. Chị Trắm cho biết, nhóm VSLA Hồng Sơn được thành lập giữa năm 2023 với 14 thành viên. Hàng tháng, các thành viên trong nhóm họp mặt, gửi tiết kiệm và cho vay đối với các thành viên có nhu cầu. Mỗi người được vay vốn 5 triệu đồng, số tiền này sẽ trả lại trong vòng 18 tháng. Sau đó nguồn vốn này tiếp tục được quay vòng cho chị em khác vay để làm kinh tế.
Là một phần trong thiết kế của AWEEV, dự án hỗ trợ mô hình sinh kế cho các thành viên nhóm Hồng Sơn nhằm giúp họ cải thiện hiệu quả hoạt động sinh kế. Nhóm đã thảo luận để lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện ở thôn. Dê là một trong những giống vật nuôi thích hợp nhất với địa hình miền núi, cao nguyên như thôn Hồng Sơn nên nhóm đã lựa chọn đầu tư loại hình chăn nuôi này ở quy mô hộ.
Dự án AWEEV đã hỗ trợ quỹ sinh kế 40 triệu đồng cho nhóm và các thành viên được vay quay vòng 5 triệu đồng/hộ. Trong vòng thứ nhất bắt đầu từ tháng 5.2023 đã có 8 hộ được vay vốn với đàn dê trên 40 con. Cả thôn Hồng Sơn có 54 hộ, trong đó có 40 hội viên hội phụ nữ. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên, nhiều chị em trong thôn muốn tham gia vào nhóm. Đến nay, nhóm VSLA của thôn Hồng Sơn đã tăng lên 16 hộ.
Chị Lý Thị Diện, thành viên nhóm VSLA thôn Hồng Sơn, chia sẻ, trước đây mỗi năm thu nhập từ trồng chè và thảo quả của gia đình chị khoảng 29 - 32 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trang trải sinh hoạt, không thể tích luỹ để làm ăn hay cho con cái học hành. “Từ khi được hỗ trợ vay vốn, chị em chúng tôi mua 2 con dê sinh sản. Từ tháng 9.2023 đến nay, có hộ đàn dê tăng lên 2 con, có hộ tăng lên 4 con”. Thành quả bước đầu củng cố niềm tin của chị Diện về một tương lai tốt đẹp hơn khi sinh kế vững vàng.
Không dừng lại ở đó, chồng chị Diện, anh Sỉn Thanh Hòa, cũng có những thay đổi tích cực sau khi chị vay vốn nuôi dê. Anh Hòa cho biết, khi vợ đi hái chè, anh ở nhà cắt cỏ cho dê và chăn thả dê, hỗ trợ việc nhà cho vợ. Anh hy vọng, sau này đàn dê phát triển hơn nữa, điều kiện kinh tế gia đình khá lên sẽ có tiền tích luỹ để cho con đi học cao hơn, có nghề nghiệp ổn định.
AWEEV đặt mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế (hợp phần dự án đầu tiên) và cùng với đó là tạo cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập thông qua đào tạo kỹ thuật và các nguồn lực để tạo ra sinh kế phù hợp với khí hậu, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và hiểu biết về tài chính, đồng thời tạo điều kiện khởi nghiệp cho các doanh nghiệp xã hội do phụ nữ lãnh đạo (hợp phần dự án thứ hai).
Đến nay, dự án đã thành lập được 35 nhóm phát triển sinh kế với hơn 900 thành viên, hơn 90% là phụ nữ. Cùng với đó, có 466 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện kỹ thuật trồng chè theo chứng nhận của EU và Đài Loan. 706 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao năng lực về đa dạng hóa thu nhập thông qua việc tham gia vào 35 nhóm sinh kế ứng dụng các biện pháp canh tác, chăn nuôi có tính đến yếu tố môi trường và thích ứng với khí hậu. 7 mô hình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ vốn và kỹ thuật để phát triển.
Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quang Bình cho biết, qua thời gian triển khai dự án, đời sống kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện. Nhận thức về quyền năng kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới được nâng cao. Phụ nữ dân tộc thiểu số tự chủ trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh của gia đình, từ đó khẳng định được bản thân cũng như vị thế xã hội.