Quyết tâm khôi phục nghề truyền thống
Chị “Lan thổ cẩm” là cái tên thân mật mà bà con ở Tả Van thường gọi chị Sùng Thị Lan, sinh ra trong gia đình dân tộc Dáy có 11 người con. Bản thân chị là người con thứ 5, gia đình rất khó khăn, chị luôn ấp ủ ước mơ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời chị cũng khao khát có thể vực dậy nghề truyền thống khâu – buộc – nhuộm của dân tộc mình đã bị mai một từ 20 năm trước.
Cơ hội đầu tiên đến với chị vào tháng 10.2017, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng) vào khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị có chuyến tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội. Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.
Từ đó, chị Lan bước vào công cuộc tìm kiếm nguyên liệu khôi phục nghề nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm... Chị dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề.
Đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, các thành viên đều cảm thấy tự hào khi không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương mà còn đồng hành cùng bà con vươn lên thoát nghèo. Điểm độc đáo của HTX là không chỉ làm ra những sản phẩm mới mà còn tận dụng ngay những mảnh vải thừa để sáng tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
Trước đây, những mảnh vải vụn, vải thừa thường không có giá trị và bị vứt bỏ. Tuy nhiên nhận thấy đây cũng chính là vùng nguyên liệu tiềm năng nên HTX đã giữ lại để làm ra các sản phẩm từ đơn giản đến độc đáo như: dây buộc, túi xách, đồ bắc nồi xoong đến các loại thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em, túi đựng điện thoại…
Giám đốc Sùng Thị Lan cho biết, để có một tấm vải hoàn thiện, các chị em dân tộc Mông và Giáy đã phải tốn biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Đó là thành quả sau nhiều giờ lao động miệt mài. Thế nhưng khi tấm vải bị cắt ra để may, chúng dường như bị giảm giá trị đi rất nhiều.
“Ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hôm nay, việc biến những nguyên liệu bị coi là phế liệu thành tiền không phải là vấn đề khó mà chủ yếu là do con người có tình yêu quê hương đất nước, lòng tâm huyết với nghề truyền thống hay không” - chị Lan tâm sự.
Giúp phụ nữ tự tin trong thời đại mới
Hồi tưởng những năm 2017-2018 khi mới manh nha ý định thành lập HTX chị Lan kể, mỗi khi thấy đoàn xe khách đi qua, khoảng 20-30 người dân tộc lại ào tới, người bán thổ cẩm, người bán cây thuốc, người bán hương. Có hôm, bà con không bán được gì còn mắng chửi khách. Thế nhưng cách làm du lịch của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều nhờ những chương trình hợp tác thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp như HTX Mường Hoa.
Gặp lại chị Lan tại Lễ Tổng kết dự án GREAT giai đoạn 1 với chủ đề "Kết nối phụ nữ với thị trường - Nhân rộng mô hình thành công từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia" (Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT) là dự án lớn nhất do Australia tài trợ đang được triển khai tại Lào Cai và Sơn La), chị hồ hởi khoe với chúng tôi, chị đã xây dựng được một homestay với một không gian trải nghiệm cho ngành thổ cẩm. “Du khách nước ngoài vẫn thường xuyên chia sẻ trang của HTX Mường Hoa đến bạn bè của họ, từ đó giúp chúng tôi gia tăng lượng khách trực tiếp và gián tiếp”. Thời gian tới, HTX mong muốn đẩy mạnh sử dụng facebook hơn nữa để khách hàng biết đến thương hiệu HTX Mường Hoa, nhất là khách nước ngoài. Vì đây là nhóm đối tượng chiếm đến 80% lượng khách của HTX.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ban giám đốc HTX đã được dự án GREAT tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về sử dụng facebook tại thị trấn Sa Pa. Qua đây, thành viên đã học được rất nhiều kiến thức như đưa sản phẩm lên trang mạng để giới thiệu và chia sẻ các câu chuyện trong sản xuất. Qua đó, khách hàng tin tưởng và trân trọng những sản phẩm của HTX hơn. Trước đây, những cửa hàng thổ cẩm của thành viên phải chờ khách đến hoặc phải đeo bám khách du lịch để bán sản phẩm. Điều này đã làm mất hình tượng về con người đồng bào dân tộc thiểu số trong mắt du khách. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, thông qua facebook, khách hàng đã chủ động tới cửa hàng và liên lạc với các thành viên.
Song song với sử dụng mạng xã hội, HTX còn tổ chức các tour cho du khách trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất các sản phẩm thủ công như dệt vải, vẽ sáp ong trên vải... Điều này đã tạo sợi dây gắn kết HTX với khách hàng.
Theo đại diện Ban giám đốc, phụ nữ dân tộc Mông và Giáy ở thị xã Sa Pa hiện vẫn còn gặp rất nhiều rào cản, định kiến về việc tự chủ kinh doanh. Tuy nhiên, các thành viên đều tin tưởng thông qua mô hình HTX và mạng xã hội, chị em sẽ từng bước nâng cao vị trí trong gia đình và xã hội. Từ đó giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thêm tự tin và hạnh phúc, đóng góp thêm nhiều việc có ích cho quê hương và xã hội.
Tạm rời xa Mường Hoa, rời xa chị Sùng Thị Lan, chúng tôi trở về với hy vọng đồng bào ở Tả Van nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung sẽ sớm tìm thấy hướng đi cho mình; tự vươn lên làm chủ cuộc sống. Đặc biệt, mong cho những ấp ủ về một trung tâm đào tạo nghề truyền thống của địa phương của chị Sùng Thị Lan sớm thành iện thực; để các nghề thất truyền như dệt và nhuộm vải, đúc bạc, làm hương thảo mộc... sớm hồi sinh, thịnh vượng.