Dự thảo nghị quyết gồm 10 điều với 5 nhóm chính sách. Theo đó, Chính phủ đề xuất nới tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thực tế một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần sự tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Nếu áp dụng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho biết nhiều ý kiến tán thành đề xuất của Chính phủ, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình, do chưa rõ hiệu quả. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá kỹ, cụ thể hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn tác động thu, chi ngân sách nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện.
Thảo luận tại tổ về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, cơ quan soạn thảo cũng cần phải phân tích làm rõ thêm tăng từ 50% lên 70% đã đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư để các dự án sớm có thể triển khai hay chưa?
Theo đại biểu, nếu cần sự tham gia của các thành phần kinh tế khác thì có thể nghiên cứu tăng lên 80%. Nếu không có đánh giá cụ thể thì thì mức tăng 70% đưa ra cũng chưa rõ ràng về quy hoạch, căn cứ.
Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng băn khoăn, việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) từ 50% hiện nay lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án có đảm bảo đủ điều kiện và khi triển khai thực tế khả thi hay không. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ những vấn đề vướng mắc trong thực hiện dự án đối tác công tư, đặc biệt là BOT trong thời gian vừa qua để có căn cứ đánh giá vướng mắc ở đâu? Ở cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện? Còn gặp khó khăn ở những vấn đề khác ngoài việc tỉ lệ vốn của Nhà nước tham gia vào hay không?
Đại biểu Trần Chí Cường cho biết, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đều cho rằng, vấn đề nằm ở chi phí trong công tác thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư... rất lớn, khiến vốn đầu tư của dự án và nhà đầu tư khi tham gia mất nhiều thời gian mới có thể thu hồi vốn. Vì vậy, có thể mạnh dạn thí điểm ở một số dự án là tách riêng việc giải tỏa đền bù, chỉ tham gia BOT, tham gia đối tác công tư ở phần đầu tư xây dựng tuyến đường, như vậy sẽ tạo đồng đều hơn ở tất cả các tuyến.
Nhấn mạnh việc bố trí vốn nhà nước tối đa 50% đối với vùng Tây Bắc rất khó thực hiện, ĐBQH Nguyễn Hữu Đông (Sơn La) cho rằng, nếu vẫn giữ nguyên mức này, sẽ không có nhà đầu tư nào tham gia xây dựng cao tốc lên Tây Bắc, việc tăng lên 70% sẽ bảo đảm tính khả thi cao hơn. Thực tế, các dự án như Đồng Đăng, Trà Lĩnh… nếu tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia chỉ 50% thì nhà đầu tư sẽ rất khó thực hiện, khó thu hồi vốn.