Chủ trì hội thảo có: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan - Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Dự hội thảo còn có các cán bộ công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh, thành; công đoàn ngành Trung ương (khu vực phía Bắc).
Lắng nghe ý kiến, mong muốn và nhu cầu nguyện vọng của người lao động
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Bảo hiểm Xã hội có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có người lao động (NLĐ). Với tư cách là cơ quan đại diện cho NLĐ, nói lên tiếng nói của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo. Đây là cơ hội để các cán bộ công đoàn từ thực tiễn công tác của mình trên cơ sở lắng nghe ý kiến, mong muốn, nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Trên cơ sở ý kiến tại hội thảo, các cán bộ công đoàn khi trở về địa phương cũng cần thông tin tới cán bộ công đoàn cơ sở, NLĐ, người sử dụng lao động... để họ nắm được thông tin và bày tỏ ý kiến thông qua các kênh thông tin như cổng thông tin điện tử, cán bộ công đoàn… Qua đó, hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra là đóng góp tiếng nói của NLĐ trong quá trình hoàn thiện để có được một dự án Luật khả thi…
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để hưởng lương hưu
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thiết kế gồm: 9 Chương (giữ nguyên số lượng Chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8 Điều so với Luật hiện hành). Nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi bổ sung như: (1) Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; (2) Mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; (5) Giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để những người tham gia muộn và tham gia không liên tục (thời gian đóng ngắn) cũng có cơ hội hưởng lương hưu; (6) Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao tính tuân thủ đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động…
“Thông qua hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các cán bộ công đoàn để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết: Theo kế hoạch và lộ trình xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), từ 1.3.2023, Ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương, đăng website; từ tháng 5.2023, dự thảo được gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tháng 6.2023, trình Chính phủ; tháng 7.2023, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tới tháng 10.2023, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật này.