Những ngôi nhà mới trên dãy Trường Sơn
Bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2025 trở nên hân hoan và phấn khởi lạ thường. Trên con đường đi sâu vào bản làng giáp với bìa rừng, người ta không khó để nhận ra một xóm nhà mới kiên cố, với màu sơn vàng nổi bật, đã hình thành trên vùng đất thoải, cách biệt khỏi nguy cơ sạt lở, ngay trên dãy Trường Sơn.
Những ngôi nhà mới của bản Cồn Roàng là số ít trong hàng trăm ngôi nhà mới đã được đưa vào sử dụng trong chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tại Quảng Bình trong dịp trước Tết. Đây là một trong những nỗ lực trong việc huy động nguồn lực xã hội vào chủ trương lớn của tỉnh.
Không giấu khỏi niềm vui khi đứng trước ngôi nhà mới, anh Đinh Nhơn, bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, cho biết: “Nhiều năm qua chúng tôi sống trong những căn nhà tạm bợ, như mọi đời thế hệ trước vẫn ở. Nay có nhà mới như này, vừa vững chãi, vừa đẹp cho con cái thì hạnh phúc và vui vô cùng”.
Anh Đinh Nhơn cũng cho biết thêm, bên cạnh nhà mới, xóm mới của gia đình anh cũng được hỗ trợ điện nước, công trình ánh sáng. “Khuôn viên được chỉnh trang, trồng thêm hoa và rau màu đẹp lắm. Chúng tôi cảm ơn các nhà tài trợ và chính quyền”.
Trong dịp này, xóm nhà mới tại bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch đã có 20 hộ gia đình được bàn giao. Những vật phẩm sinh hoạt của gia đình như chăn gối, bếp, dụng cụ lao động sản xuất… dần được các thành viên trong gia đình lấp đầy, tạo nên sự ấm áp trong căn nhà mới, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Hỗ trợ bền vững cho đời sống đồng bào vùng khó
Thượng Trạch là một xã biên giới vùng cao của tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài 58,142km. Đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Ma Coong (Bru-Vân Kiều). Đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, đặc biệt tại các bản vùng sâu vùng xa, nơi chỉ có những con đường đất đỏ nối dài từ trung tâm xã vào sát với bìa rừng biên giới, khó di chuyển về mùa mưa, nắng cháy vào mùa hè.
Với điều kiện tự nhiên đặt ra nhiều hạn chế, khó khăn đối với đời sống của người dân, do đó, bên cạnh việc hỗ trợ nhà mới, chính quyền địa phương và các đơn vị cũng đã đề xuất phương thức sản xuất để đồng bào phát triển sinh kế.
Chị Trần Thị Hương, bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch cho biết: “Ngoài nhà mới, chúng tôi cũng được hỗ trợ sinh kế, nhà thì trồng rừng, nhà trồng lúa, có gạo có cơm tự mình làm ra được, được hướng dẫn và hỗ trợ trồng trọt, hạnh phúc lắm”.
Chung niềm vui với gia đình chị Hương, 20 căn nhà tại điểm bản Cồn Roàng được cấp tốc xây dựng bằng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ sẽ được bàn giao trước thềm năm mới. Mỗi ngôi nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, đồng lòng đưa địa phương ngày một vững mạnh, là "phên dậu" vững chãi của Tổ quốc.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Lê Xuân Hóa cho biết, việc giải phóng mặt bằng và bắt tay khởi công những ngôi nhà ở bản Cồn Roàng được thực hiện vô cùng cấp tốc, nhận được đồng thuận và sự phấn khởi của người dân cho bản mới, xóm mới đẹp hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Hữu Hồng thông tin thêm: “Chúng tôi cũng sẽ triển khai các mô hình sinh kế để khi mà bà con có nhà rồi thì phải có ổn định đời sống như sản xuất để cùng nhau thoát nghèo”.
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2025 tại Quảng Bình, có khoảng hơn 100 hộ dân đã được đón Tết trong những căn nhà mới, kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Dự kiến 1.553 nhà tạm, nhà dột nát tại Quảng Bình sẽ được xóa trước tháng 10.2025.