Các giáo viên đều nhận định, đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT công bố, không quá khó đối với thí sinh.
Đề thi theo mô hình cơ bản, không làm khó thí sinh
TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhìn nhận, đề thi môn Ngữ văn năm nay bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT công bố.
Cụ thể, phần I - Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản, đó cũng là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa. Vẫn như những năm trước, những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.
Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích. Đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.
Câu hỏi số 4 có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.
"Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này", TS Trịnh Thu Tuyết cho hay.
Ở phần II - Làm văn (7,0 điểm), đề thi giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Trong đó, yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”. Đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công.
Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích 18 dòng đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm; câu lệnh thứ hai mang tính khái quát và nâng cao khi yêu cầu thí sinh “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ”.
Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận…, thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kì thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú.
Thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học sinh, sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.
TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, nhìn chung, đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kỳ thi cuối cùng của chương trình Giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỷ.
Hai phần Đọc hiểu và Làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Đề thi hay, không khó để thí sinh đạt điểm cao
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ Văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bình Dương) nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay là kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 12. Đề thi không khác so với các năm trước về cấu trúc và bám sát ma trận đề minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.
Tại phần Đọc hiểu (3 điểm), ngữ liệu tương đối gần gũi, các câu hỏi đi theo mức độ nhận biết, thông hiểu và bám sát mẫu câu hỏi của đề thi minh họa. Do đó, thí sinh dễ dàng nắm được vấn đề. Tại câu 4 phần Đọc hiểu yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần biến mất” là một câu hỏi khá mở. Dạng câu hỏi này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường và tư tưởng của thí sinh.
Tại phần Làm văn (7 điểm), đề nghị luận xã hội yêu cầu nêu ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đây là một câu hỏi khá gần gũi với học sinh, các em có đất viết và vốn kiến thức đề viết. Đề thi cũng có tính kết nối cao khi phần Nghị luận xã hội gắn kết với câu 4 của phần Đọc hiểu.
Còn ở câu Nghị luận văn học, theo cô Thanh, tác phẩm “Đất nước” là bài trọng tâm của chương trình Ngữ văn 2006. Phần Nghị luận văn học có 2 phần, phần 1 phân tích đoạn thơ, phần 2 là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ. Cả 2 phần đều tương đối gần gũi với học sinh, và nếu các em nắm chắc kiến thức Ngữ văn THPT sẽ làm tốt.
“Tựu chung lại, đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2024 là một đề thi hay, không khó để thí sinh đạt điểm cao. Tuy vậy, đề thi năm nay lại có độ dài cao hơn các năm trước.
Do đó, để hoàn thành tốt bài thi, học sinh cần có khả năng bao quát, chọn lọc kiến thức và làm chủ thời gian làm bài. Nếu không, các em sẽ thiếu thời gian viết phần đánh giá nghệ thuật hay nhận xét nâng cao, từ đó ảnh hưởng đến kết quả chung”, cô Thanh nhận xét.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên Tuyensinh247.com nhìn nhận, đề thi môn Ngữ Văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT và vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT 2023, bao gồm 2 phần: phần I - Đọc hiểu (3 điểm) và phần II - Làm văn (7 điểm). Học sinh trung bình có thể giải quyết được 5 - 6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, còn mức 8.5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.
Cô Quỳnh Anh cho rằng, câu nghị luận xã hội trong đề thi không quá khó, thí sinh chỉ cần làm đúng dung lượng, chú ý nhấn mạnh ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính, lấy dẫn chứng phù hợp và có những phản đề, liên hệ sâu sắc.
Phần nghị luận văn học đề ra vào tác phẩm Đất Nước, đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm. Phần câu hỏi phụ yêu cầu học sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích. Có thể thấy, đề thi bám sát thực tế và vừa sức với học sinh, nhưng đồng thời vẫn có tính phân loại cao.
"Như vậy, đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học", cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho hay.
Tỷ lệ điểm 7, 8 năm nay có thể sẽ khá cao
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuỳ Linh, giáo viên Ngữ Văn trường THPT Hoà Bình LaTrobe Hà Nội cũng nhận định đề thi Ngữ văn năm 2024 có cấu trúc giống đề thi những năm gần đây. Song, câu hỏi 1 không còn là câu hỏi nhận biết phương thức biểu đạt/phong cách ngôn ngữ thông thường
Phần 1 gồm 4 câu hỏi xoay quanh bài văn bản nghị luận với 2 câu thông hiểu, 2 câu vận dụng; phần 2 gồm 2 câu hỏi: 1 câu viết đoạn văn nghi luận xã hội và 1 câu nghị luận văn học về tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Theo cô Linh, đề thi đảm bảo phân loại được học sinh. Các câu hỏi với 4 mức độ nhận thức: 2 câu đầu phần đọc hiểu đảm bảo cơ bản, 2 câu sau đọc hiểu có tính phân loại tốt. Vấn đề nghị luận xã hội có tính thiết thực, gần gũi, tuy nhiên sẽ là thách thức với học sinh khi đưa ra cách ứng xử thực tiễn, phù hợp, thể hiện nhìn nhận sâu sắc, chân thành.
“Ở phần Đọc hiểu, học sinh có thể đạt được từ 1.5 - 2 điểm dễ dàng. Phần nghị luận xã hội có thể đa số trong khoảng 1 - 1.25 điểm. Với phần nghị luận văn học, nếu học đủ kiến thức thì 2 -2.5 điểm không khó khăn. Như vậy tỷ lệ điểm 7, 8 năm nay có thể sẽ khá cao”, cô Nguyễn Ngọc Thùy Linh đánh giá.
Cũng theo cô Linh, đề thi làm trong 120 phút, đảm bảo tính hợp lý, vừa sức, nhưng yêu cầu học sinh làm chủ thật tốt thời gian để đạt được kết quả tốt. Với đề thi này, học sinh có học lực trung bình - khá có thể đạt 5.5 - 6.5 điểm, học sinh có học lực giỏi có thể đạt từ 7 - 8 điểm trở lên.