Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để có cơ sở đánh giá được Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 11.10.2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành và tổ chức giám sát việc thực hiện 2 nghị quyết này.
Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo kiến nghị nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 từ Ủy ban MTTQ Việt Nam của 63 tỉnh thành phố. Qua đó nhằm làm rõ hơn nữa những kết quả đã đạt được, những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản phạm quy pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức để tiếp tục hoàn thiện và có cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời, hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung nêu trên được sâu sắc, chất lượng, hiệu quả.
Tồn tại việc trong cùng một địa phương lựa chọn giảng dạy các bộ sách giáo khoa khác nhau
Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhân dân đồng tình và ủng hộ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, kịp thời để đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục phù hợp với tình hình chung về công tác giáo dục trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với tình hình mới hiện nay; thể chế hoá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa dùng trong cơ sở giáo dục và đào tạo, nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ sách giáo khoa có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.
Các ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp thống nhất nội dung sách giáo khoa và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập: gây lãng phí, tốn kém khi một bộ sách giáo khoa không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng sách giáo khoa và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.
Nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006
Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến nhân dân đánh giá cao chương trình giáo dục mới tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Theo đó, chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực.
Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh. So với chương trình hiện hành, học sinh đã được tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách nhẹ nhàng, giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học.
Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn rằng ngành giáo dục còn khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ giáo dục, nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong 1 lớp học ở một số thành phố lớn quá đông (60 học sinh).
Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chính sách sử dụng cán bộ giáo dục chưa phù hợp.
Một số giáo viên vẫn dạy theo phương pháp thuyết trình, đọc chép vì chưa chuẩn bị kịp về mặt chuyên môn; một số giáo viên giảng dạy còn mang tính lý thuyết chưa đề cao thực tiễn.
Nội dung sách giáo khoa môn tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006, sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn phát hành sách giáo khoa và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc này sẽ tạo áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nội dung sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.
Một số ý kiến cho rằng việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình Giáo dục 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập: Việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này.
Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.
Đối với chương trình lớp 10 chọn theo phân ban, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn vì nếu sau một thời gian học, việc thay đổi phân ban cho các em nếu chọn sai các môn học sẽ phải bổ sung chương trình cả 1 năm học để bù lại.
Bên cạnh đó, theo chương trình phân ban mới, việc chọn trường để xét tuyển đại học cũng sẽ gặp khó khăn do việc chia phân ban đôi lúc chưa phù hợp với các ngành nghề tại các trường ĐH,CĐ.
Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học: Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.
Việc chuyển tiếp trong cách dạy học cho học sinh từ cấp mẫu giáo bước vào lớp 1 bậc Tiểu học gặp khó khăn, do chương trình của mẫu giáo năm cuối là nhận diện về các chữ đơn, nhận diện mặt chữ, nhưng khi các em bắt đầu vào lớp 1 thì sách Giáo khoa đã yêu cầu học sinh đánh vần đọc thành câu hoặc phải nhận diện được mặt chữ. Điều này dẫn đến khi các em vào lớp 1 sẽ có tình trạng phụ huynh học sinh phải tìm lớp học thêm hay thuê gia sư dạy kèm cho các em ngay từ khi bắt đầu lớp 1 hoặc cuối cấp mẫu giáo.
Có ý kiến cho rằng Hội đồng biên soạn chương trình và sách giáo khoa đã công khai nhưng chưa thực sự minh bạch; nhiều người có chuyên môn tốt và thâm niên nghề nghiệp cao nhưng chưa được cơ cấu vào các Hội đồng.
Người dân băn khoăn khi giá sách giáo khoa còn quá cao
Cũng theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, có nhiều ý kiến cho rằng, các bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, hình ảnh và chữ đẹp, rõ ràng.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản ánh, cấu trúc giữa các bài học trong một số sách giáo khoa chưa đảm bảo đủ các thành phần theo đúng quy định; một số câu hỏi đặt ra chưa rõ ràng và sát với nội dung bài học; một số sách giáo khoa mắc nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh.
Ngoài ra, một số sách có nội dung chưa phù hợp, chưa mang tính giáo dục, thậm chí gây phản cảm (điển hình là sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Một số ý kiến cho rằng, trọng lượng sách giáo khoa còn nặng gây khó khăn cho học sinh nhất là học sinh cấp I.
Nhiều ý kiến đồng tình việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không sử dụng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, quản lý của Nhà nước; quan tâm việc lựa chọn đơn vị có đủ khả năng tham gia xã hội hóa, tránh lợi ích nhóm.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm; phải xác định thực hiện xã hội hóa cần thận trọng, minh bạch, để sách giáo khoa khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng tốt nhất, hàng đầu.
Có ý kiến cho rằng, việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn, phát hành nhiều bộ sách giáo khoa gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn bộ sách theo yêu cầu của nhà trường, ảnh hưởng đến các học sinh chuyển trường khi các trường giảng dạy theo các bộ sách khác nhau. Giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi phải thay đổi cách dạy cho phù hợp.
Nội dung tri thức của các môn học trong sách giáo khoa chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức của học sinh, trong khi tri thức trên internet lại rất đa dạng và sinh động.
Về giá sách giáo khoa và in ấn, phát hành sách giáo khoa, người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa và giá sách giáo khoa còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước. Điều này ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.