
Đại biểu nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư công trong định hướng phát triển kinh tế vùng, liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo tính cạnh tranh về kinh tế cao hơn trong một vùng. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành phố đều muốn địa phương của mình đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp với các địa phương lân cận, dẫn đến nhiều công trình sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả.
Để thúc đẩy hiệu quả của việc liên kết vùng, đại biểu đề nghị, Trung ương cần có chính sách riêng đầu tư ưu tiên cho các địa phương có liên kết vùng với nhau nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Theo đại biểu, trong một vùng, có địa phương có lợi thế về sân bay thì liên kết với các địa phương khác ưu tiên sử dụng dịch vụ sân bay của mình. Do đó cần ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Địa phương nào đầu tư được khu chế biến, sản xuất và liên kết được với các vùng nguyên liệu thì cũng cần đầu tư hạ tầng giao thông từ địa phương có vùng nguyên liệu đến cơ sở chế biến, từ đó tạo tiền đề cho các địa phương phối hợp với nhau trong từng lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo liên kết vùng có hiệu quả, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, giảm hiệu quả nguồn lực của Trung ương.
"Đối với các địa phương chưa tạo được liên kết vùng, Trung ương cần xem xét hỗ trợ ngân sách dựa trên hiệu quả đầu tư của từng lĩnh vực có lợi thế như về nông nghiệp, giáo dục, du lịch… để phát triển kinh tế. Hàng năm, Trung ương cần đánh giá về hiệu quả để ưu tiến đầu tư cho đúng để địa phương có thể phát triển một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng bộ chỉ số sử dụng ngân sách nói chung cho từng ngành, từng lĩnh vực để có cơ sở đánh giá. Bộ chỉ số này không giống với các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư công hiện nay đang sử dụng", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị.