Giúp nâng cao ý thức của các chủ sở hữu tài liệu lưu trữ thuộc khu vực tư
Hoạt động lưu trữ tư là nội dung mới của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và cũng là vấn đề được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Trong dự thảo Luật đã dành một chương (Chương VI) quy định rõ nguyên tắc của hoạt động lưu trữ tư; quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; các hoạt động lưu trữ tư; mua bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt.
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định nêu trên được đưa vào dự thảo Luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Đồng thời, vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý Nhà nước, hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Đánh giá về nội dung mới này của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Chương VI về hoạt động lưu trữ tư được xây dựng nhằm mục đích thông qua các quy định của Luật để tác động và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu tài liệu lưu trữ ở khu vực tư, bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng. Việc đưa ra các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền lưu trữ ở khu vực tư một mặt trực tiếp phục vụ cho mục đích của chủ sở hữu những tài liệu này, mặt khác cũng sẽ góp phần cho lưu trữ quốc gia.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc giới hạn đối tượng điều chỉnh với khu vực tư, gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Và, không chỉ tập trung vào những tài liệu lưu trữ tư đã được ký gửi, hiến, tặng và đang bảo quản trong các cơ quan lưu trữ của Nhà nước, mà nên quy định những chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực lưu trữ tư gồm các vấn đề rộng hơn, có thể có những điều dẫn chiếu từ khu vực công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu bảo vật quốc gia do các dòng họ, gia đình giúp Nhà nước bảo quản, thì cần quy định chính sách của Nhà nước để khuyến khích, động viên những đối tượng này. Đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu bổ sung các chế tài gắn với trách nhiệm để xử lý những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình các dòng họ, gia đình lưu trữ bảo vật quốc gia.
Quy định về chính sách của Nhà nước với lưu trữ chưa rõ, chưa đủ
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về lưu trữ, Điều 5, dự thảo Luật quy định 8 chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, các quy định này có một số nội dung chưa rõ, chưa đủ. Tài liệu lưu trữ được hình thành trực tiếp bởi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trong quá khứ và hiện tại trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học, công nghệ và các hoạt động khác, được thể hiện qua các ghi chép lịch sử dưới hình thức như văn bản, biểu đồ, âm thanh, video có giá trị để xã hội bảo tồn, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động xã hội nói chung.
Qua theo dõi công tác lưu trữ thời gian qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy, mức độ quan tâm của Nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức Nhà nước trong công tác này còn có mặt hạn chế. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để các tài liệu lưu trữ có giá trị lâu dài, nhiều quốc gia đã đầu tư bài bản, mang tính chất chiến lược.
“Cần xác định đầu tư cho số liệu, dữ liệu lưu trữ là đầu tư phát triển cho tương lai của chính chúng ta”. Nhấn mạnh quan điểm này, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, cần có chính sách rõ ràng hơn của Nhà nước trong đầu tư cho công tác lưu trữ, không chỉ trông chờ vào sự tham gia đầu tư của xã hội. Đồng thời, quy định rõ Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ ra sao; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác này như thế nào?...
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần bổ sung, làm rõ các chính sách của Nhà nước đối với lưu trữ nói chung và lưu trữ tư trong điều kiện khoa học công nghệ hiện nay, cũng như nội dung quản lý Nhà nước về lưu trữ. Đồng thời, cần giải trình rõ hơn về thời hạn lưu trữ đối với các loại tài liệu cũng như các loại thời hạn, đối tượng tài liệu và thời hạn giải mật của các đối tượng tài liệu, kể cả tài liệu do các cơ quan quản lý. Gia công thêm các nội dung về phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, tính chia sẻ, kết nối, phát huy các tài liệu lưu trữ gắn với phân cấp, phân quyền, trách nhiệm trong quản lý tài liệu lưu trữ; chuẩn hóa tài liệu, dữ liệu lưu trữ, bảo đảm khoa học, logic, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...