Năm 2024 tiếp tục có nhiều thuận lợi, thành công song cũng không ít khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam. Nhìn lại năm cũ để hướng đến năm mới có thêm nhiều niềm vui là cách chúng ta mong ước văn hóa, nghệ thuật nước nhà thực sự trở thành mục tiêu, động lực, hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng đầy đủ, toàn diện
Ba năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, sự quan tâm đến văn hóa ngày càng toàn diện, thiết thực và cụ thể hơn. Nhiều hội thảo, hội nghị về phát triển văn hóa, xây dựng con người, hay các hệ giá trị quốc gia, các ngành công nghiệp văn hóa, thiết chế văn hóa… được tổ chức là kết quả của quá trình hiện thực hóa nhận thức của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tạo nên bầu không khí tích cực, thuận lợi cho phát triển văn hóa. Có lẽ khá lâu rồi không khí thảo luận về kế sách phát triển văn hóa lại sôi nổi đến thế. Tôi mong không khí này tiếp thêm sức mạnh cho văn hóa, cho người yêu và làm việc trong lĩnh vực văn hóa để cống hiến nhiều hơn nữa cho lĩnh vực đặc biệt quan trọng và tinh tế này.
Trên nghị trường của Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn, tâm huyết đưa ra ý kiến, kế sách cho phát triển văn hóa. Các nghị quyết của Quốc hội đã dành nhiều hơn nội dung cho lĩnh vực văn hóa. Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng dành dung lượng lớn hơn cho lĩnh vực văn hóa. Từ khóa “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa”, “chấn hưng văn hóa” được nhắc đi nhắc lại trên các diễn đàn, sự kiện quan trọng của quốc gia. Những thảo luận về Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), cơ chế đặc thù cho các địa phương, hợp tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công… đều đề cập đến lĩnh vực văn hóa, chắc chắn là tiền đề quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn này thời gian tới.
Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mang tính chiến lược, không chỉ tập trung bảo vệ và quản lý di sản mà mục tiêu là bảo tồn, phát huy giá trị di sản dưới góc độ lịch sử và kinh tế, biến di sản thành nguồn lực phát triển du lịch, giáo dục và kinh tế bền vững. Điểm nổi bật của Luật là sự tham gia cộng đồng trong bảo vệ di sản, thay vì chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, tạo sự kết nối sâu sắc giữa di sản và phát triển kinh tế.
Sau hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022, đến năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hội thảo về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Điều này cho thấy quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở sự phát triển của văn hóa.
Không khí sáng tạo, công nghiệp văn hóa lan tỏa rộng rãi
“Sáng tạo” là từ khóa quan trọng của văn hóa trong năm 2024. Sau sự kiện Hội An và Đà Lạt tiếp bước Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) năm 2023, Việt Nam giờ đây đã thực sự trở thành điểm đến của sáng tạo toàn cầu. Không khí sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa mọi không gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 chủ đề “Giao lộ sáng tạo” với hơn 100 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy các di sản của thành phố, thu hút hàng chục nghìn người tham gia, thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội hay Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta thấy tinh thần sáng tạo mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa, không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào sự bền vững của tinh thần sáng tạo, để từ đó, tiếp tục xây dựng đất nước sáng tạo bằng không gian sáng tạo, giáo dục sáng tạo và con người sáng tạo.
Một điểm sáng nữa trong năm 2024 là công nghiệp văn hóa từng bước phát triển, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu như vài năm trước, nhiều người còn xa lạ với khái niệm “công nghiệp văn hóa” thì giờ đây, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một giải pháp đột phá cho không chỉ lĩnh vực văn hóa, mà còn với phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Tư duy về tổ chức sự kiện, kỹ năng kinh doanh nghệ thuật hay những yếu tố liên quan khác đến công nghiệp văn hóa là chủ đề thảo luận ở nhiều hội thảo trong lĩnh vực điện ảnh, thời trang, mỹ thuật… Các đêm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi; những bộ phim Việt Nam đạt doanh thu trăm tỷ; lễ hội âm nhạc Hò Dô, festival văn hóa, du lịch ở nhiều địa phương thực sự đã để lại ấn tượng và truyền cảm hứng để những sự kiện nghệ thuật ở Việt Nam có thêm động lực phát triển hơn nữa.
Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc khi khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam. Đây là bước cụ thể hóa quan trọng các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể hiện quyết tâm đưa văn hóa trở thành động lực phát triển quốc gia.
Chỉ thị nhấn mạnh văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là ngành kinh tế đầy tiềm năng, với khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, trong đó, cần chú trọng khai thác bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, kết hợp với hiện đại hóa để đáp ứng xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Đồng thời, chỉ thị đặt trọng tâm vào việc xây dựng thể chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân và các mô hình hợp tác công - tư. Hy vọng rằng, sau khi chỉ thị được ban hành, Chính phủ và các địa phương sẽ có thêm quyết tâm và hành động để phát triển lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.
Vừa duy trì giá trị cốt lõi, vừa thúc đẩy phát triển bền vững
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển văn hóa. Một trong những vấn đề lớn là tính bền vững của việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, khi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Điều này không chỉ bó buộc khả năng huy động nguồn lực xã hội mà còn cản trở sự sáng tạo của các nghệ sĩ, làm giảm sức hấp dẫn và hiệu quả của các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các chương trình, dự án có ý nghĩa thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt kinh phí, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và duy trì.
Bên cạnh đó, nguồn lực quản lý văn hóa còn nhiều hạn chế. Không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính và cơ sở vật chất, sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao cũng trở thành rào cản lớn. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia và nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa chưa được đào tạo một cách bài bản hoặc chưa kịp thích ứng với các xu hướng mới của thị trường. Điều này gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - nhóm đối tượng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới và cập nhật.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa mạng và văn hóa số đang đặt ra nhiều thách thức mới, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa và con người Việt Nam. Các nội dung độc hại, phi văn hóa, tin giả và các luồng tư tưởng không lành mạnh đang lan tràn trên không gian mạng, gây khó khăn cho việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng giá trị cho cộng đồng. Việt Nam hiện vẫn còn thiếu kinh nghiệm cũng như giải pháp hiệu quả để ứng phó với những rủi ro này. Hệ thống pháp lý, cơ chế kiểm soát và giáo dục ý thức văn hóa số cho người dân còn chưa hoàn thiện, dẫn đến những khoảng trống trong quản lý và phát triển văn hóa số bền vững.
Tinh gọn bộ máy trong ngành văn hóa mang lại lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Nguy cơ thiếu nhân sự chuyên môn có thể làm giảm khả năng bảo tồn di sản, quản lý lễ hội và thúc đẩy sáng tạo văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sự đa dạng văn hóa vùng miền đòi hỏi đội ngũ nhân sự phải có năng lực cao, nhưng tinh giản nếu không đi kèm với chính sách hỗ trợ dễ gây mất cân đối và tâm tư trong đội ngũ cán bộ. Vì thế, chúng ta trông đợi tinh gọn bộ máy ngành văn hóa có cách tiếp cận cân đối, lấy con người làm trung tâm, để vừa duy trì giá trị cốt lõi, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Những thách thức trên đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ và đồng bộ từ nhiều phía, từ cải cách chính sách, tăng cường đầu tư, đến nâng cao nhận thức và năng lực quản lý để tạo ra nền tảng văn hóa thực sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025 sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển văn hóa đất nước, khi chúng ta chuẩn bị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước, đồng thời tổng kết 50 năm phát triển văn hóa kể từ khi đất nước thống nhất, 80 năm kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Rất cần có khoảng thời gian đủ dài để tạo nên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật lớn, vì vậy, chúng ta phải bắt tay chuẩn bị thật sớm để có được những sản phẩm xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh. Tôi tin, tất cả chúng ta đều mong chờ những điều tốt đẹp ấy, để từ đó văn hóa góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.