Nguồn lực từ chương trình đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh, giúp đời sống người nghèo trên địa bàn cải thiện từng ngày.
Nỗ lực thực hiện chính sách dân tộc
Là 1 trong 10 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao (74,43%), tỉnh Hòa Bình luôn xác định việc ưu tiên đầu tư, nỗ lực thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm ổn định dân cư, giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững lồng ghép với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719 - PV)… Trong đó, Chương trình MTQG 1719 đang được các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình nỗ lực triển khai thực hiện.
Tại huyện Mai Châu, 2 năm qua đã có nhiều nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được giải ngân kịp thời, phát huy hiệu quả; năm 2022, Mai Châu đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại các xã Sơn Thủy (được phân bổ 168 triệu đồng), xã Nà Phòn được (phân bổ 120 triệu đồng) và xã Thành Sơn 9336 triệu đồng); bàn giao téc nước cho các hộ gia đình theo quy định, với tổng giá trị giải ngân 581 triệu đồng. Năm 2023, địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng tại các xã Cun Pheo, Nà Phòn, Pà Cò, Hang Kia, Thành Sơn… Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đang được huyện triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Đới Văn Chinh, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp. Trọng tâm là làm tốt tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu. Trong 8 tháng năm nay có gần 19.200 lượt khách hàng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm với doanh số cho vay gần 745 tỷ đồng, trong đó có 3.296 lượt hộ nghèo, 2.515 lượt hộ cận nghèo, 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo.
Phấn đấu giảm 2,5% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều
Mặc dù Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng tỉnh Hòa Bình vẫn còn huyện nghèo; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn cao. Nhất là số hộ nghèo còn lại đa phần là các hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động... dẫn khó khăn trong giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các năm kế tiếp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Hòa Bình luôn xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã thực hiện các chính sách và đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để khuyến khích, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa. Các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn được tập trung thực hiện để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.
Trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt, thúc đẩy giảm nghèo bền vững; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình với việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, tuyên truyền và lan tỏa thêm nhiều tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, ngày 31.3.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73-KH/UBND về việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2023. Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là 2,5% (từ 12,29% cuối năm 2022 xuống còn 9,79% cuối năm 2023); tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình năm 2023; bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo năm 2023. Trong đó, tiếp tục hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Nhất là tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 phản ánh đúng thực trạng đời sống kinh tế xã hội của địa phương; thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo.