Đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian!

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, một yếu tố rất quan trọng trong phát triển chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là sức ép về thời gian. Tuy nhiên, sức ép bên ngoài sẽ tạo động lực bên trong.

Bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn. Đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để tham gia phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tỷ đô này.

Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030. Điều này đem đến cơ hội rất lớn cho sinh viên theo học ngành này.

Năm 2024, nhiều trường đại học công bố mở các ngành học trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, trong đó có Trường Đại học Phenikaa.

Đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian! -0
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Phenikaa

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân từ góc nhìn của cơ sở đào tạo, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa đã nhấn mạnh quan điểm về trụ cột của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, cũng như kiến nghị những cơ chế cần thiết giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Phát triển chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian -0
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Ảnh: Duy Thông)

Mục tiêu đến năm 2030 góp phần đào tạo khoảng 8.000 kỹ sư thiết kế vi mạch

- Thưa PGS.TS Nguyễn Phú Khánh. Được biết, năm nay, Trường Đại học Phenikaa sẽ mở 2 chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ông có thể cho biết để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo này, nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Trường Đại học Phenikaa chúng tôi là một cơ sở giáo dục đại học tư thục, là thành viên của Tập đoàn Phenikaa. Trong chính sách chung của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cùng với sự ủng hộ của Chính Phủ và Bộ GD-ĐT, các trường đại học công lập hay ngoài công lập đều có những chiến lược phù hợp để góp phần hiện thực hóa một phần chiến lược của Chính phủ, cũng như phù hợp với chiến lược phát triển của mỗi trường.

Trường Đại học Phenikaa có đặc thù là nằm trong hệ sinh thái cùng tập đoàn, doanh nghiệp. Đầu năm 2024, chúng tôi bắt đầu mở những chương trình đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch. Tháng 5.2024, chúng tôi cũng đã ra mắt Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch.

Phenikaa có tầm nhìn rất rõ: để thiết kế vi mạch được sẽ có nhiều công đoạn khác nhau, do đó phải chuẩn bị rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là đội ngũ những chuyên gia hàng đầu, là các giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực vi mạch. Thứ hai - yếu tố đặc biệt quan trọng là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để đáp ứng việc thiết kế những công đoạn rất phức tạp. Khi mở Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch, chúng tôi cũng mở cả công ty để có thể đồng hành cùng Trung tâm đào tạo.

Trường Đại học Phenikaa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ góp phần đào tạo khoảng 8.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Chúng tôi cũng mong muốn, các em sinh viên tốt nghiệp chương trình này không chỉ có thể làm việc tại các tập đoàn trong nước, mà các em sẽ có chứng chỉ được quốc tế công nhận.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trường Đại học Phenikaa đã hợp tác với 2 đơn vị rất lớn là Tập đoàn công nghệ Synopsys và Trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ (ASU). Trường Đại học Bang Arizona là một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất thế giới trong đào tạo về vi mạch, đặc biệt cho các tập đoàn lớn như Intel. Với những sự hợp tác này, chúng ta có thể học tập được kinh nghiệm, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ. Và chương trình đào tạo khi hợp tác với họ rất quan trọng để đào tạo ra những kỹ sư có chứng chỉ được thế giới công nhận. Phennikaa đang đi theo con đường này.

Tôi nghĩ rằng đây chỉ là bước đầu và hy vọng Trường Đại học Phenikaa cũng sẽ được những hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT để có thể hiện thực hóa được một phần nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp phát triển của đất nước, cũng như của Trường Đại học Phenikaa.

-Theo ông, trụ cột của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn gồm những gì?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Ngành bán dẫn liên quan đến rất nhiều ngành công nghệ khác nhau. Tôi cho rằng, một trong những thế mạnh khi Chính phủ đặt niềm tin liệu chúng ta có đủ năng lực phát triển ngành này hay không là dựa trên nhiều yếu tố về con người. Đó là nội lực, năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức - khi Việt Nam có đội ngũ nhân lực rất tốt, có khả năng trong các ngành liên quan như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu,...

Điều quan trọng tôi muốn chia sẻ rằng, ngoài việc đào tạo chính quy, chúng ta còn phải đào tạo những chương trình ngắn hạn. Bởi trong ngành vi mạch chia ra 3 công đoạn chính: công đoạn thiết kế (thiết kế vi mạch), công đoạn sản xuất, công đoạn ATP (tích hợp, kiểm tra, đóng gói). Như vậy, không chỉ có mỗi phần thiết kế, mà chúng ta có cả quy trình khép kín.

Trước đây, người ta thường tập trung toàn bộ quá trình từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử trong một nhà máy hay công ty. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của ngành vi mạch hiện nay, người ta chuyên môn hóa nhiều hơn. Tôi nghĩ, Việt Nam có rất nhiều khả năng tập trung vào thiết kế vi mạch và ATP (tích hợp, kiểm tra, đóng gói).

Điều quan trọng là chúng ta phải đào tạo nhân lực như thế nào. Bên cạnh việc đào tạo chính quy từ 4 đến 5 năm thì có thể đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Đào tạo ngắn hạn yêu cầu thời gian ngắn hơn, nhưng đôi khi các tập đoàn, doanh nghiệp lại cần những kỹ sư ở giai đoạn ngắn hạn này. Đào tạo chính quy thiết kế vi mạch thường chọn lựa những em có tiềm năng, còn những nhà máy, tập đoàn cũng cần rất nhiều kỹ sư khác có kiến thức ngắn về vi mạch hoặc về khâu tích hợp, kiểm tra, đóng gói.

Phát triển chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian -0
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cùng các vị khách mời tham dự Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)

Một trụ cột rất quan trọng khác chính là liên kết trong đào tạo quốc tế, liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và liên kết giữa những chính sách của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, chúng ta mới hợp lực được.

Tôi nghĩ đó là những trụ cột và nhân tố chính có thể giúp chúng ta thực hiện được các mục tiêu đang đề ra.

Mỗi trường đại học phải chọn chiến lược phù hợp với mình

- Để góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, theo ông, các trường đại học cần xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh:Tôi cho rằng mỗi trường đại học sẽ phải chọn chiến lược phù hợp với mình. Các trường đại học có thể được hưởng những hỗ trợ từ phía Chính phủ qua các Đề án nếu được duyệt, với một số lượng đặt hàng từ Chính phủ cho một số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch hoặc làm về ATP (tích hợp, kiểm tra, đóng gói).

Nhưng bên cạnh việc cung cấp cho các đơn đặt hàng của Chính phủ, các trường đại học còn phải nghĩ đến câu chuyện đào tạo theo nhu cầu thị trường. Chúng ta cần đào tạo thế nào để những kỹ sư của chúng ta khi ra trường có đủ kỹ năng, phẩm chất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ như thế, các em mới có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Và chỉ như thế, các em mới được hưởng những chế độ ưu đãi và chính sách lương bổng tốt, bởi nhân tài mới có ưu đãi cao. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng.

Ở trường đại học, khi làm một chương trình đào tạo, ngoài việc xây dựng từ nguồn nhân lực là đội ngũ giảng viên đã có sẵn, kết hợp với các doanh nghiệp thì điều rất quan trọng là phải chuẩn hóa quốc tế chương trình đào tạo, kể cả chương trình dài hạn và ngắn hạn.

Để hiện thực hóa điều này, Trường Đại học Phenikaa đã bắt tay ký kết hợp tác chiến lược với những đối tác quan trọng ở các nước đang có công nghệ chip hay công nghệ bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Đài Loan.

Ngoài ký kết với Trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ (ASU) như tôi đã chia sể, chúng tôi cũng ký kết với Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Changhua, Đài Loan (NCUE) - đơn vị cung cấp khá nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch cho thị trường Đài Loan hay châu Á. Chúng tôi cũng hợp tác với doanh nghiệp, như tập đoàn Synopsys. Trong Synopsys cũng có những cơ sở đào tạo theo chuẩn quốc tế và chúng tôi đã ký hợp tác với Viện nghiên cứu đào tạo của tập đoàn Synopsys là SiCADA.

Chúng tôi cho rằng khi hợp tác với những trung tâm, trường đại học, viện đào tạo của các tập đoàn lớn như vậy, chúng ta sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ họ và có thể tham khảo được những chuẩn chất lượng trong ngành này. Ngoài việc đảm bảo chuẩn chất lượng chung thì mỗi chương trình đào tạo, mỗi lĩnh vực lại có những chuẩn riêng.

Một vấn đề nữa tôi cũng nhấn mạnh trong đào tạo, đó là bài toán thị trường. Chúng ta đào tạo là một chuyện, để đào tạo tốt cần rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành, cần rất nhiều chuyên gia; nhưng vấn đề đặt ra là khi thiết kế ra sản phẩm, liệu có hợp thức hóa được không?

Chính vì thế, chúng tôi cũng chọn thêm một hướng đi bên cạnh ra mắt Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch, đó là ra mắt công ty làm về thiết kế vi mạch - gọi là Phenikaa X. Đồng thời, chúng tôi cũng hợp tác với các tập đoàn công nghiệp, doanh nghiệp để chế thử sản phẩm. Từ thiết kế, đào tạo, nghiên cứu đều phải có chế thử và chắc chắn rằng bên cạnh những sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, chúng ta vẫn phải đầu tư vào những sản phẩm mới.

Phát triển chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian -0
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ về chiến lược phát triển chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn của Trường Đại học Phenikaa trong Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)

Muốn sinh viên tự tin, không thể thiếuvai trò của doanh nghiệp trong đào tạo

MC: Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Vậythế mạnh của Việt Nam hiện nay là gì? Chúng ta có thể làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Tôi cho rằng chúng ta có thế mạnh về đội ngũ. Thế giới đánh giá sinh viên Việt Nam có tư duy tốt về toán học, logic. Đó là lợi thế của chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận trong các ngành công nghiệp chung, cũng như ngành vi mạch thì yếu tố kỹ năng rất quan trọng. Khi chúng ta sản xuất sản phẩm mới hay tham gia công đoạn nào mới trên thị trường quốc tế sẽ đòi hỏi kỹ năng của “công dân toàn cầu”. Người ta không hỏi rằng bạn nghĩ gì hay cảm thấy thế nào, mà hỏi bạn đưa ra giải pháp thế nào.

Tố chất quan trọng của các kỹ sư hiện nay, bên cạnh kiến thức về chuyên ngành thì tôi nghĩ vấn đề kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng tham gia chuỗi toàn cầu hoá là rất quan trọng, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng dám đưa vấn đề ngược dòng,... Tôi từng nghe một số tập đoàn lớn như Intel hay Synopsys nói rằng, họ đánh giá kỹ sư của chúng ta rất cao, bởi có những ý tưởng hay. Tuy nhiên, kỹ sư của chúng ta đôi khi hơi rụt rè. Như vậy thì kỹ năng và sự tự tin rất quan trọng, bên cạnh tố chất các em có sẵn.

Mà muốn sinh viên tự tin, không thể nào thiếu vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo. Doanh nghiệp cũng nên có những cơ chế trong vấn đề đào tạo. Bản thân các doanh nghiệp không chỉ nhận đầu ra, mà cần tham gia cùng các cơ sở đào tạo để đào tạo ra kỹ sư có đủ phẩm chất từ kiến thức đến kỹ năng. 

Với những kỹ sư đã có kiến thức cơ bản ở các ngành như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông,... không có gì đào tạo chuyển đổi nhanh bằng những dự án thực tế. Tôi cho rằng nên có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhận sinh viên đào tạo trong các khóa ngắn hạn hay dài hạn tại doanh nghiệp. Như vậy sẽ giúp đào tạo đầu ra cho các cơ sở đào tạo, cũng như hỗ trợ đầu vào cho chính doanh nghiệp tốt hơn.

Cần chế độ đãi ngộ hấp dẫn, khơi dậy đam mê của sinh viên

MC: Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng cần cơ chế đột phá, đặc thù nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Đứng ở quan điểm một trường đại học, một đơn vị đào tạo thì khi đào tạo theo đơn đặt hàng, có sự hỗ trợ của Chính phủ, bản thân nhà trường có thể yên tâm rằng sẽ có một số lượng kỹ sư theo đơn đặt hàng, nên sẽ có điều kiện tập trung vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các em nhiều hơn. Bên cạnh đó, Trường Đại học Phenikaa cũng được tập đoàn sẵn sàng đầu tư trang thiết bị. Tập đoàn Phenikaa đã quyết tâm đầu tư những hệ thống lớn nhất và hiện đại nhất thời điểm này, như hệ thống liên quan đến mô phỏng hay hệ thống giả lập. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng Chính phủ và Bộ GD-ĐT có thể xem xét, dựa vào kế hoạch cụ thể của từng trường - những kế hoạch có thể đóng góp cho Chính phủ, Nhà nước để có những hỗ trợ kèm theo. Bởi từ phía trường đại học, chúng tôi cần rất nhiều thiết bị, nếu có những trang thiết bị Chính phủ hỗ trợ được thì sẽ giúp cho việc đào tạo tốt hơn. Nhà nước không thể nào chi trả hết tất cả mọi thứ, nhưng có thể dựa vào sự mong muốn, sẵn sàng đầu tư của các trường để có thêm những hỗ trợ.

Tôi nghĩ Chính phủ, Quốc hội, Bộ GD-ĐT có thể xem xét để đầu tư tập trung hơn, để hỗ trợ các trường đi nhanh hơn nữa. Chắc chắn rằng các trường đại học và doanh nghiệp khi đã tham gia, chúng tôi đã có nhận thức, kế hoạch rất rõ ràng, nhưng nguồn lực hỗ trợ từ mặt chính sách hay kinh phí từ Chính phủ cũng là điều rất quan trọng.

Phát triển chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Trường đại học đứng trước sức ép thời gian -0
"Thời gian không chờ đợi chúng ta. Việt Nam muốn bắt kịp được thì chắc chắn phải thỏa mãn cả bài toán về số lượng và tốc độ", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nêu quan điểm (Ảnh: Duy Thông)

- Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫnbắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn. Vậy phát triển chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần các vấn đề cốt lõi nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Một yếu tố tôi nghĩ rất quan trọng trong phát triển chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là sức ép về thời gian. Theo kế hoạch đến năm 2030 thì tính trung bình mỗi năm, chúng ta phải đạt số lượng từ 7.000 - 8.000 kỹ sư. Mà hiện nay, chúng ta không thể xuất phát nhanh bởi cần có thời gian chuẩn bị. Đặc biệt, một số tập đoàn nói rằng thời gian chỉ trong vòng 18 - 24 tháng tới.

Như vậy, trong trường hợp chúng ta không chứng minh được có thể cung cấp đội ngũ đó, chưa chắc họ đã chọn Việt Nam làm căn cứ điểm.

Cho nên, sức ép thời gian là có. Khi chúng ta đào tạo trong môi trường thị trường, doanh nghiệp thì câu chuyện lại càng “nóng hổi”, chúng ta không có thời gian thì không thể nói hay. Nhưng sức ép bên ngoài sẽ tạo động lực bên trong - động lực để chúng ta vượt qua sức ép đó.

Ở trường đại học, khi chúng tôi bắt tay vào quá trình đào tạo, thời gian rất khẩn trương. Để làm nhanh thì không gì bằng việc học hỏi từ những đơn vị có kinh nghiệm, hay quốc tế hóa.  Chúng tôi đã mở rất nhiều khóa học đào tạo, những hội thảo để các chuyên gia nước ngoài tư vấn. Khi nhận được sự tư vấn từ họ, chúng tôi thấy con đường đi nhanh hơn rất nhiều.

Tất nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ có. Nhưng bản thân các đối tác đều tìm thấy được ở mỗi nơi có sự win - win, hai bên đều có lợi ích, nên họ hỗ trợ. Việc hợp tác với Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc là cơ sở quan trọng để chúng ta rút ngắn thời gian. 

Bên cạnh đó, cần “thổi lên đam mê” cho các em sinh viên. Nếu những sinh viên năm ba, năm tư ngành lân cận như điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... không thích vi mạch thì chúng ta sẽ lãng phí một lượng lớn nhân lực. Cần có chế độ đãi ngộ hấp dẫn, khơi dậy sự đam mê, sự tiên phong của các em để theo đuổi ngành mới.

Thời gian không chờ đợi chúng ta. Việt Nam muốn bắt kịp được thì chắc chắn phải thỏa mãn cả bài toán về số lượng và tốc độ. 

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Phú Khánh!

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.