Theo Bộ GD-ĐT, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đa dạng và hiệu quả để đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế và yêu cầu của thị trường lao động, đồng thời tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người học có khả năng được học tập liên tục, học tập suốt đời phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tăng cường dân chủ hóa và công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và góp phần xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, tăng cường tính tự chủ trong giáo dục và đào tạo. Người học vì một lý do nào đó không vào được ngành học hoặc bậc học như mong đợi, họ vẫn có quyền tự do lựa chọn để tiếp tục học lên những bậc học cao hơn hoặc học những ngành nghề phù hợp khi điều kiện của bản thân và gia đình cho phép.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đào tạo liên thông còn nhằm để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong hệ thống giáo dục, đồng thời giải toả áp lực tâm lý của một phần không nhỏ các gia đình và học sinh thường cho rằng vào đại học là con đường duy nhất cho phát triển sự nghiệp.
Vì vậy, không nên quan niệm đào tạo liên thông như là một giải pháp để tạo ra lối thoát cho bậc học dưới, mà phải xuất phát từ nhu cầu của thực tế người học và nhu cầu của thị trường lao động. Hay nói cách khác mục tiêu cao nhất của đào tạo liên thông là nhằm đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đa dạng và hiệu quả để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Xu hướng đào tạo liên thông trên thế giới
Trên thế giới hiện nay, chính sách về đào tạo liên thông đang được thực hiện với 2 xu hướng có chiều hướng tương đối trái ngược nhau.
Xu hướng thứ nhất là các quốc gia ủng hộ việc mở rộng đào tạo liên thông, ban hành các chính sách và cơ chế thông thoáng để người học có thể dễ dàng lựa chọn các chương trình đào tạo ở bậc giáo dục đại học sau khi đã kết thúc một chương trình đào tạo ở bậc giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của người học.
Thông tin về giáo dục các nước được đăng tải công khai bởi Tổ chức Tin tức và đánh giá giáo dục quốc tế World Education News and Reviews cung cấp: tiêu biểu cho xu hướng ủng hộ mở rộng đào tạo liên thông là các nước như Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.
Tại Úc, các chương trình đào tạo nghề được xây dựng theo dạng thức tập hợp các chứng chỉ theo khung chứng chỉ Úc AQF, họ có chính sách công nhận quá trình học tập trước đó và chuyển đổi các tín chỉ đã tích lũy. Do đó các chứng chỉ thu nhận được trong chương trình giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp người học thuận lợi hơn khi tiếp cận giáo dục đại học.
Chính phủ Úc cho phép các trường tự chủ trong công nhận các tín chỉ đã tích lũy thông qua việc ký kết thỏa thuận hoặc xem xét từng trường hợp cụ thể. Việc ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao tín chỉ là một trong những hình thức hiệu quả nhất, cho phép 1 trường đào tạo nghề và một trường đại học cùng nhau xây dựng chương trình đào tạo và cùng công nhận những tín chỉ mà một trong 2 trường đã dạy.
Điều này khiến cho các chương trình đào tạo trở nên chặt chẽ, thống nhất hơn và người học cũng sẽ thuận lợi hơn khi chọn học liên thông từ trường cao đẳng lên trường đại học có ký kết thỏa thuận.
Tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ xây dựng Ngân hàng tín chỉ học thuật (Academic Bank of Credits – gọi tắt là ABC) –– cho phép sinh viên có thể cập nhật các tín chỉ, chứng chỉ đã tích lũy vào Ngân hàng, trong đó có cả những tín chỉ tích lũy được từ các khóa học trực tuyến. Đây là một hệ thống lưu trữ trực tuyến nơi mỗi sinh viên có tài khoản riêng để lưu giữ toàn bộ các tài liệu về quá trình đào tạo học tập của mình.
Ngân hàng này cung cấp dịch vụ như tích lũy tín chỉ, chuyển đổi tín chỉ, quy đổi tín chỉ. Người học vừa có thể đi làm vừa có thể đi học và tích lũy tín chỉ cho tới khi đủ số tín chỉ để được cấp bằng theo mong muốn của mình là bằng cao đẳng hoặc bằng đại học. Ngân hàng tín chỉ này thống nhất với Khung tín chỉ quốc gia của Ấn Độ. Khung tín chỉ quốc gia cho phép sinh viên quy đổi các tín chỉ học tập ngoại khóa hoặc thực hành (không chính quy) thành các tín chỉ học tập để người học có thể sử dụng khi đi xin việc hoặc khi vào học một chương trình cao hơn.
Tích đủ số tín chỉ người học sẽ được nhận bằng cao đẳng, thêm một số tín chỉ nữa đủ theo quy định, người học sẽ được nhận bằng đại học. Như vậy có thể thấy ở Ấn Độ không có khái niệm học liên thông, nhưng những gì người học đã học ở bậc cao đẳng thì được tín chỉ hóa và lưu giữ trên hệ thống để người học sử dụng khi học ở bậc học cao hơn.
Tại Thái Lan, người có bằng tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp hoặc kỹ thuật từ hai năm trở lên có thể được thi vào một số chương trình đào tạo bậc cử nhân ở cùng ngành đào tạo nếu đáp ứng các quy định liên quan, với thời lượng của chương trình cử nhân có thể được rút ngắn xuống còn hai năm.
Chương trình liên thông chỉ được thực hiện với một số ngành lĩnh vực như thương mại, quản trị kinh doanh, nông lâm ngư, du lịch khách sạn, dệt may, công nghệ thông tin và máy tính. Tại Trường Đại học Rangsit, người học có thể được công nhận tới 70% tổng số tín chỉ đã tích lũy trong chương trình đào tạo đang học.
Trường Đại học Rangsit có Hội đồng chuyển đổi tín chỉ làm nhiệm vụ đánh giá bảng điểm và chương trình học của từng người học, thời gian xét hồ sơ có thể kéo dài đến 1 tháng, tuy nhiên, người học sẽ phải trả phí cho những tín chỉ đã được chuyển đổi (ở mức trung bình 300 Bath/tín chỉ, nhưng nếu sinh viên được chuyển đổi 20 tín chỉ thì chỉ phải thanh toán 4000 Bath).
Các tín chỉ đã được công nhận và đã thanh toán vẫn sẽ được nêu trong bảng điểm của chương trình đang học với cùng tên môn/học phần và kết quả như đã đạt được ở chương trình trước đó. Tuy nhiên số tín chỉ này lại không được tính vào điểm GPA (điểm học tập trung bình chung) của sinh viên.
Tại Hàn Quốc, học sinh học các chương trình phổ thông dạy nghề vẫn có cơ hội thi vào đại học nhưng trên thực tế các trường đại học của Hàn Quốc không muốn nhận sinh viên liên thông, không muốn công nhận tín chỉ đã tích lũy từ cơ sở đào tạo khác.
Để cải thiện tình trạng này, từ 2008, Chính phủ Hàn Quốc thành lập một hệ thống trường nghề mới được gọi là trường Meister đào tạo một số ngành như ngân hàng, dịch vụ công, nha khoa, công nghiệp biển và công nghệ bán dẫn. Sinh viên tốt nghiệp trường Meister chỉ được phép đăng ký dự tuyển vào các trường đại học sau khi họ làm việc toàn thời gian trong ba năm liên tiếp.
Xu hướng thứ hai là các quốc gia thắt chặt việc đào tạo liên thông hoặc không có đào tạo liên thông nhằm đảm bảo vị trí việc làm và tính chuyên biệt hóa thị trường lao động. Tiêu biểu cho xu hướng này là Đức nơi giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hoàn toàn tách biệt nhau và không có cơ chế liên thông. Trừ đối với ngành quản lý kinh doanh, nếu người học có thể vượt qua kỳ thi đặc biệt thì có thể vào học đại học ở hầu hết các bang của Đức.
Tại Mỹ, chương trình đào tạo nghề rất chuyên sâu, có thể kéo dài từ 1 đến tận 6 năm và cho phép người học học chuyển tiếp/liên thông sang bậc đại học định hướng ứng dụng/nghề nghiệp nhưng không được phép học lên các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.
Tại Canada, các trường đại học thường không chấp nhận việc chuyển tín chỉ từ trường khác sang.
Tại Philippines, mặc dù chính phủ Philippines đã bắt đầu xây dựng lộ trình cho việc đào tạo tích hợp và chuyển đổi cũng như cơ chế công nhận quá trình đào tạo trước đó của người học tuy nhiên cho tới nay khả năng chuyển đổi trình độ và ngành học giữa đào tạo nghề nghiệp và giáo dục đại học ở Philippines vẫn còn rất hạn chế.
“Nghịch lý” đào tạo liên thông ở Việt Nam
Từ năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương thay thế hình thức “đào tạo chuyên tu” sang hình thức “đào tạo liên thông”. Ngày 05/12/2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 49/2002/QĐ- BGDĐT ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông về đào tạo dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp lên trình độ đại học. Tiếp theo từ năm 2003, Bộ GDĐT đã cho thí điểm liên thông giữa các trường cao đẳng, đại học trên cả nước theo quy định tạm thời nêu trên. Đến giữa năm 2007 đã có 61 trường được phép đào tạo liên thông.
Mặc dù vậy, việc quản lý đào tạo liên thông còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do mỗi trường đào tạo theo một chương trình khác nhau, thiếu tham khảo với nhau, nhất là đào tạo xong rồi mới tính chuyện liên thông cho sinh viên.
Quy chế đào tạo liên thông thí điểm của Bộ GDĐT yêu cầu sinh viên tốt nghiệp trung bình (chiếm đa số) thì phải ra trường đi làm đúng ngành nghề ít nhất 2 năm mới được học liên thông lên đại học, còn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi thì được học liên thông ngay.
Tuy nhiên nghịch lý là số khá giỏi ít ỏi này thường ra trường đã có việc làm và cũng không thiết tha trở lại học liên thông nữa, trong khi đối tượng cần học liên thông để có được văn bằng tốt hơn thì lại khó có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cao đẳng.
Sau 05 năm thí điểm đào tạo loại hình này, ngày 13/02/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ - CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT ngày 28 tháng 10 năm 2010 hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học.
Trên thực tế, khi triển khai thực hiện Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2008 về đào tạo liên thông dẫn đến tình trạng đào tạo liên thông phát triển quá mạnh, nhiều trường đại học vừa thành lập được 2 năm đã tổ chức cấp bằng đại học liên thông chính quy, các trường cao đẳng, đại học đã tuyển sinh với số lượng lớn sinh viên hệ liên thông, nhiều trường xin chuyển chỉ tiêu chính quy sang chỉ tiêu liên thông vì nhu cầu người học đông, học phí thu gấp 1,5 đào tạo chính quy, chất lượng đào tạo không được đảm bảo.
Giai đoạn 2008-2012, đào tạo liên thông các trình độ phát triển mạnh đã mang lại cho xã hội sự chuẩn hóa về chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, tuy nhiên nhiều tiêu cực đã xảy ra trong việc tuyển sinh, thực hiện sai Quyết định số 06/2008/ QĐ- BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.
Để khắc phục những điểm bất cấp nêu trên tạo sự công bằng cho người học ngày 25.12.2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55/2012/ TT- BGDĐT quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.
Việc ban hành Thông tư 55/2012/ TT- BGD ĐT quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học được xem là bước đổi mới quyết liệt, đã mang lại lòng tin cho xã hội và sự công bằng trong giáo dục đại học. Sau hai năm thực hiện, Thông tư 55 được sửa đổi cho phù hợp với các quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học. Thông tư số 08/ 2015/ TT- BGD ĐT ngày 21/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi bổ sung Thông tư số 55/2012 về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ra đời đã khắc phục được những hạn chế trong việc quản lý loại hình đào tạo và đang phát huy được hiệu quả trong đào tạo trình độ đại học.
Năm 2014, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội phê chuẩn, năm 2017 Chính phủ đã giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) và giáo dục nghề nghiệp khối sư phạm.
Giáo dục nghề nghiệp đã thống nhất đào tạo 03 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Khoản 3 Điều 9 Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 đã quy định đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-CP ngày 31/5/2017 quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, có hiệu lực từ ngày 15/7/2017. Quyết định này áp dụng cho các đối tượng dự thi liên thông từ trình độ Trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017-2023, tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh), trong đó số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo.
Khảo sát, thống kê cho thấy, ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông lớn nhất bởi 2 ngành này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng.
Mặc dù đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học có nhiều trường tổ chức nhất nhưng đối với chương trình đào tạo, số lượng chương trình đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học từ cao đẳng lên đại học lại nhiều hơn với 411 chương trình.
Nguyên nhân của việc này là bởi đối tượng người học liên thông đa phần là những người đã đi làm, học liên thông lên đại học để phục vụ nhu cầu trong công việc. Do đó hình thức vừa làm vừa học là phù hợp, giúp người học vừa có thể duy trì công việc hiện có vừa có thể nâng cao kiến thức và trình độ.
(Còn tiếp...!)