Tham dự có: Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Thị Minh Hằng; đại diện cấp ủy các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân và quần chúng ưu tú của Báo.
Đón và tiếp Đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang có: Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan; Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Hoàng Văn Trọng; Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Lê Đức Thắng; Trưởng Công an huyện Sơn Động, Trung tá Nguyễn Thành Nam; cán bộ, chuyên viên Văn phòng UBND - HĐND huyện Sơn Động...

Căn cứ Chương trình công tác năm 2025 của Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ mật thiết giữa Báo Đại biểu Nhân dân với tỉnh Bắc Giang, đã thành thông lệ tốt đẹp hàng năm, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I.2025 tại Bắc Giang, nhằm tìm hiểu cội nguồn và các giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, thời gian qua, hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên đề của Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng được đổi mới, phong phú, theo hướng thiết thực gắn với các nhiệm vụ chính trị và hoạt động chuyên môn của Báo.
Cuộc sinh hoạt chuyên đề lần này nhằm giúp các cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú của Đảng bộ Báo Đại biểu Nhân dân có cơ hội tìm hiểu bề dày truyền thống lịch sử văn hóa độc đáo của tỉnh Bắc Giang cùng những danh lam thắng cảnh với nhiều công trình kiến trúc cổ kính, có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng của Báo ý thức rõ hơn về trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cùng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đóng góp xây dựng Đảng ta và đất nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh trong bối cảnh cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây cũng là dịp để các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân tăng cường gắn kết, đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Thời gian tới, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn, Đảng bộ Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ, nỗ lực sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tập thể cơ quan trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Bí thư Đảng ủy Báo Đại biểu Nhân dân cũng đề nghị các cấp ủy Chi bộ trực thuộc Đảng bộ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên đề, tạo diễn đàn, điều kiện để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Trong khuôn khổ cuộc sinh hoạt chuyên đề, Đoàn đã đến dâng hương và tham quan tại Chùa Vĩnh Nghiêm, hay còn gọi là Chùa Đức La (TP Bắc Giang) - đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm; được xem là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện nay, tại Chùa Vĩnh Nghiêm đang lưu giữ nhiều hiện vật cổ, như hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, tranh, bia đá…; trong đó, nổi bật là 3.050 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian… Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Sáng cùng ngày, tại Bắc Giang, Đoàn đã đến tham quan Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động.

Khu du lịch Tây Yên Tử được tỉnh Bắc Giang khởi công xây dựng năm 2014 nhằm tái hiện con đường hoằng dương Phật pháp của các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đưa vào khai thác giai đoạn I năm 2019.

Theo đó, phạm vi Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm 9 cụm di tích: Khu Đồng Thông, rừng Khe Rỗ, chùa Am Vãi, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, suối Mỡ, suối Nước Vàng, chùa Vĩnh Nghiêm và thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng...