Giám sát chặt chẽ khâu bán hàng
Ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, Bảo hiểm Agribank đã xác định phải tập trung vào tất cả các khâu trước, trong quá trình bán hàng và cả dịch vụ sau bán hàng.
Đặc biệt, Bảo hiểm Agribank luôn đảm bảo 2 yếu tố mang tính chất kim chỉ nam: Một là, mọi hành vi của mình phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm, phải coi trọng quyền, đặt quyền lợi tối ưu cho khách hàng. 95% khách hàng của Bảo hiểm Agirbank là bà con nông dân nên các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm phải thiết đơn giản, dễ hiểu và có thể chuyển đổi số ngay lập tức. Thứ hai, Bảo hiểm Agribank luôn tăng cường đào tạo đại lý, tuyên truyền giáo dục, công tác truyền thông kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí tại địa phương để đưa tin, viết bài về chương trình ưu đãi; thiết lập những bộ phận chăm sóc khách hàng, đường dây nóng 24/7, nâng cao các ứng dụng về công nghệ thông tin...
Hàng năm, Bảo hiểm Agribank thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các đơn vị trong hệ thống để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các vướng mắc, tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình hoạt động của các chi nhánh. Riêng trong tháng 4.2023, Bảo hiểm Agribank đã thành lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động triển khai bảo hiểm đối với các đơn vị thành viên trong toàn quốc, bán các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Ông Đỗ Minh Hoàng cũng chia sẻ thêm, hiện Bảo hiểm Agribank đang quản lý hàng triệu đơn bảo hiểm bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng triệu lượt khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất và doanh nghiệp. Bảo hiểm Agribank đã bảo vệ cho hơn 2 triệu khách hàng đang hoạt động tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động của Bảo hiểm Agribank đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng, bảo vệ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp của Nhà nước cũng như bảo vệ nền kinh tế. Đơn cử, đến hết tháng 9.2023, Bảo hiểm Agribank đã chi trả bồi thường cho 282.600 vụ với tổng số tiền lên đến 5.554 tỷ đồng. Bảo hiểm Agribank cũng là một trong những tấm lá chắn cho nền kinh tế với việc phân tán rủi ro, bảo vệ vốn tín dụng của Nhà nước (vốn tín dụng Agribank) thông qua hoạt động chi trả bồi thường, với tổng số tiền Agribank thụ hưởng là 3.504 tỷ đồng.
Luôn đồng hành, bảo vệ khách hàng
Không chỉ bảo vệ các cá nhân, hộ sản xuất và doanh nghiệp mua bảo hiểm của mình, Bảo hiểm Agribank còn sẵn sàng cung cấp, chia sẻ thông tin về loại hình bảo hiểm phi nhân thọ tới người dân, đặc biệt là nông dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các địa phương hay các buổi sinh hoạt tổ vay vốn của Agribank, Bảo hiểm Agribank đã giúp người dân, kể cả chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh đặc thù, đậm tính nhân văn này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều hợp đồng bảo hiểm có nhiều điều khoản rắc rối, gây khó cho người mua… nhất là sau những lùm xùm về thị trường bảo hiểm hồi đầu năm, Bảo hiểm Agribank và nhiều chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực này đã đưa ra khuyến cáo với người tham gia bảo hiểm và người cung cấp bảo hiểm, cụ thể:
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng đặc thù, vì vậy phải chuẩn bị tâm thế, hiểu biết và điều kiện tham gia phải bảo đảm. Phải chuẩn bị chính sách, pháp luật, giáo dục, tuyên truyền để hai chủ thể đi đến với nhau. Nhà nước phải bảo đảm hợp đồng tốt để khách hàng tự bảo vệ chính mình. Cần quay trở lại vấn đề hợp đồng mẫu, để tránh giữa các công ty bảo hiểm mỗi nơi một kiểu.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý vi phạm. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội cũng phải công bố thông tin đánh giá các doanh nghiệp.
Thứ ba, rất cần các biện pháp ghi âm, ghi hình các buổi đàm phán hợp đồng, thậm chí phát cho người mua bảo hiểm hướng dẫn cụ thể và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó. Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động của lĩnh vực này, để ghi lại toàn bộ dấu vết về quan hệ tài chính.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa giáo dục, phổ biến pháp luật về lĩnh vực mau bán bảo hiểm, nhất là công tác truyền thông.
Thứ năm, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp trong lĩnh vực mua bán bảo hiểm. Qua đó, nếu có vi phạm, cơ quan tư pháp đủ bằng chứng để giải quyết đúng người, đúng tội, tránh oan sai.
Thứ sáu, các cơ quan Nhà nước phải nghiên cứu kỹ việc tăng tính chế tài. Tăng cả chất lượng và số lượng chế tài, là cách tạo hàng rào bao quanh bên ngoài để chúng ta bảo vệ các quan hệ cốt lõi một cách tốt nhất.