Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp:

Dân chủ và công khai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề tất yếu khách quan đặt ra trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước, đòi hỏi hoàn thiện các quy định để công ác quản lý thuận lợi hơn.

Những hạn chế, bất cập thời gian qua cho thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần quan tâm bổ sung, hoàn thiện các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng nhằm cụ thể hóa những định hướng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã đề ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Tự phát, thiếu liên kết

Từ năm 2013, khi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Chính phủ thông qua, nhiều địa phương (nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long) đã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng cho phép cải thiện tài nguyên môi trường nhờ công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được quan tâm đẩy mạnh.

Dân chủ và công khai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất -0
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp một số vùng còn ồ ạt, chưa có sự liên kết.
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác còn mang tính tự phát đã và đang bộc lộ một số bất cập. Đó là một số vùng chuyển đổi ồ ạt, chưa có sự liên kết nên việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Do cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa, việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi tiếp tục thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi sang các mục đích phi nông nghiệp thì nhiều khu công nghiệp, dự án xây dựng đô thị vẫn chưa được lấp đầy, không đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của hạn chế này là do nội hàm chuyển mục đích sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng chưa được làm rõ trong Luật Đất đai hiện hành. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đưa ra định nghĩa cụ thể về giao đất, cho thuê đất nhưng lại không có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất gặp nhiều bất cập và vướng mắc.

Chủ thể là người sử dụng đất trong quan hệ chuyển mục đích sử dụng đất cũng chưa nhất quán. Điều 59 Luật Đất đai chỉ quy định hai nhóm chủ thể được chuyển mục đích sử dụng đất là tổ chức và hộ gia đình, cá nhân. Song theo Điều 127, Luật Đất đai, chủ thể chuyển mục đích sử dụng đất được mở rộng tới cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam…

Dân chủ và công khai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất -0
Luật Đất đai năm 2013 đưa ra định nghĩa cụ thể về giao đất, cho thuê đất nhưng lại không có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất. Nguồn: ITN

Bảo đảm quyền của người dân

Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều ý kiến đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc chuyển mục đích sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng (từ định nghĩa, căn cứ đến tiêu chí, điều kiện) để tiếp tục chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp hợp lý và hiệu quả hơn.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Mai Hiên, lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bước thể hiện rõ nguyên tắc dân chủ và công khai trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy cần hoàn thiện quy định về lấy ý kiến chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến để bảo đảm quyền của người dân được nêu ý kiến tại Hội nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với thành phần bắt buộc là các hộ nông dân có đất bị thu hồi.

Dân chủ và công khai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất -0
Bổ sung quy trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến để bảo đảm quyền của người dân tại  Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch, kế hoạch về nội dung thu hồi để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Một trong những tồn tại thời gian qua là một số tỉnh khó khăn về thu hút đầu tư đã tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư để xây dựng khu, cụm công nghiệp, kể cả những khu vực chưa có trong quy hoạch sử dụng đất. Từ đó dẫn đến tình trạng hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng manh mún, tỷ lệ lấp đầy thấp, trong khi nông dân ở khu vực đó thì không còn hoặc còn quá ít đất để sản xuất.

TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn lưu ý thêm, trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tính đến việc chuyển dần một phần đất nông nghiệp và phi nông nghiệp sang phục vụ cảnh quan môi trường. Đồng thời quy định rõ về việc khôi phục và bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất tự nhiên phục vụ cho các nhu cầu cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đất nước, đặc biệt là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, các vùng bảo tồn thiên nhiên trên đất ngập nước, trên biển.

Theo tính toán của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, với năng suất lúa trung bình 6,3 tấn/ha, trồng 1,8 vụ/năm thì tới năm 2030 chỉ cần 1,4 triệu ha đất cho tiêu dùng thực phẩm. Với diện tích lúa hiện nay là 4,1 triệu ha, có thể cân nhắc chuyển đổi 600 - 750 nghìn ha đất lúa sang các cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn mà vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.