Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện. 

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ và khả thi

Theo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay.

Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

cong-nghiep-quoc-phong.jpg
Công nhân Nhà máy Z111 tổng lắp vũ khí bộ binh do nhà máy nghiên cứu, sản xuất.
 Ảnh: Sơn Bình

Luật đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024 và ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật nhằm mục tiêu xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Kế hoạch bao gồm các nội dung chính: Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là những người làm công việc liên quan đến công nghiệp quốc phòng và an ninh; xác định các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng, thực hiện rà soát và kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nếu cần thiết; xây dựng 5 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra toàn diện về việc thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm bảo đảm sự nhất quán và nghiêm túc trong quá trình thực hiện; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Khẳng định Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp này; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, tất cả các cán bộ, chiến sĩ và các cơ quan liên quan tích cực tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Luật để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Kế hoạch Triển khai thi hành Luật, đó là soạn thảo các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo dự kiến, các bản dự thảo sẽ được gửi đến các cơ quan, bộ, ngành liên quan và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Quốc phòng trước ngày 5.11.2024; gửi cho Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo các văn bản trước 15.2.2025 và trình ban hành đúng hạn trước 15.4.2025.

284634835pm.jpg
Công nhân Xí nghiệp Hỏa cụ, Nhà máy Z121. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo báo cáo, tính đến ngày 8.10.2024, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cơ quan thường trực Ban soạn thảo, đã tiếp nhận tổng số 51/146 ý kiến phản hồi về Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, Nghị định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh, cùng với các chính sách tài chính liên quan.

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị nhằm mục đích cụ thể hóa các điều khoản trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương và 42 điều, quy định các vấn đề cốt lõi, như: Điều kiện và hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, tổ hợp công nghiệp, xuất khẩu sản phẩm dịch vụ công nghiệp quốc phòng và an ninh, cùng với những điều khoản thi hành.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung các điều khoản, đồng thời đã nêu lên nhiều vấn đề còn cần làm rõ, như vai trò của hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng.

Khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn - một điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam đã ghi nhận sự cố gắng không ngừng nghỉ của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các cơ quan liên quan. Mặc dù khối lượng công việc lớn và thời gian gấp rút, các cơ quan đã thể hiện quyết tâm cao và tích cực trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam chỉ đạo, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng triển khai họp các tổ soạn thảo nhằm thống nhất và hoàn thiện dự thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ, mà còn là cơ hội để ngành công nghiệp quốc phòng vươn xa hơn, phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Pháp luật

Nghệ An: 2 đối tượng làm giả thẻ nhà báo để cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp
Tin tức

Nghệ An: 2 đối tượng làm giả thẻ nhà báo để cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp

Quá trình làm việc, các đối tượng không xuất trình thẻ nhà báo mà chủ động quay tư liệu về hoạt động của công ty, doanh nghiệp. Sau đó, biên soạn tin, bài có nội dung phản ánh sai phạm để gửi lại phía công ty, doanh nghiệp với mục đích đe dọa, yêu cầu đưa tiền để được bỏ qua.