Ngày 23.2, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Phiên họp Hội đồng Đảm bảo chất lượng mở rộng, nhằm bàn thảo về các vấn đề đảm bảo chất lượng đáp ứng mục tiêu đào tạo nhân tài, đảm bảo chất lượng tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo tài năng, chất lượng cao tại ĐHQGHN.
Đào tạo chất lượng cao chưa tạo được sức hấp dẫn với xã hội
Tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quy mô tuyển sinh của ĐHQGHN tăng nhanh với nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng. Tuy nhiên, công tác tổ chức đào tạo tài năng, chất lượng cao tại ĐHQGHN đang đối mặt với nhiều thách thức về tuyển sinh và đào tạo.
Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết, một trong những mục tiêu chiến lược của ĐHQGHN là đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao, nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, xây dựng và áp dụng phương pháp tuyển sinh phù hợp dựa vào nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn của cơ sở giáo dục nhằm tuyển được người học có chất lượng, phù hợp với từng chương trình đào tạo.
Đảm bảo chất lượng quá trình hướng đến đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, trong đó chuẩn đầu ra quan trọng nhất là năng lực đổi mới sáng tạo, tinh thần cống hiến và năng lực có việc làm/khởi nghiệp của người học. Do đó, cần đẩy mạnh đánh giá ngoài các chương trình đào tạo để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng chương trình đào tạo; lập kế hoach tổng thể và từng năm để đảm bảo tất cả các chương trình đào tạo đủ điều kiện thực hiện đánh giá ngoài.
Chia sẻ góc nhìn của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN về vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo tài năng, chất lượng cao, PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Liên, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế và Đảm bảo chất lượng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong đào tạo tài năng, chất lượng cao hiện nay. Đó là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.
Cùng với đó, một số ngành khoa học cơ bản đào tạo chất lượng cao chưa tạo được sức hấp dẫn với xã hội và cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Sự cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng tăng do những thay đổi trong công tác tuyển sinh và cơ chế thu hút cán bộ trình độ cao và sinh viên giỏi. Do đó dẫn tới yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo tài năng, chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Liên cho rằng, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao phải cao hơn các chương trình đào tạo chuẩn (về kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ…), tăng cường năng lực sáng tạo và khởi nghiệp của người học.
Đối tượng người học là các sinh viên ưu tú, học lực tốt, có đam mê nghiên cứu. Lộ trình đào tạo tương xứng với từng giai đoạn của sinh viên, có tính cạnh tranh giữa sinh viên các chương trình đào tạo, có sự linh hoạt giữa các chương trình đào tạo.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh việc học gắn với thực hành, thực tế, gắn kết với doanh nghiệp, tăng cường khối lượng và chất lượng các học phần thực hành, thực tập trong chương trình đào tạo.
Việc đào tạo phải theo hướng cá thể hóa, phát huy thế mạnh và đam mê của từng cá nhân người học. Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, thông qua nghiên cứu khoa học để đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và tiếp cận với trình độ và chuẩn mực quốc tế.
Mục tiêu đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, tạo nên những sản phẩm xứng tầm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của Nhà trường.
Đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo tài năng, chất lượng cao như: tăng kinh phí đầu tư cho đào tạo tài năng, chất lượng cao; có chính sách bồi dưỡng giảng viên trẻ; xây dựng cơ sở dữ liệu cựu sinh viên và tổ chức các hoạt động kết nối cựu sinh viên và sinh viên; thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan và sử dụng kết quả để cải tiến chất lượng một cách hiệu quả; xây dựng chiến lược và kế hoạch đảm bảo chất lượng đào tạo tài năng, chất lượng cao.
Chất lượng là yếu tố quyết định sự tồn tại, uy tín, thương hiệu của cơ sở giáo dục
Tại phiên họp, ông Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm đổi mới công tác tuyển sinh tại Nhà trường. Mục tiêu của công tác tuyển sinh đại học là tuyển đúng, tuyển đủ; đánh giá năng lực toàn diện của người học về kiến thức, kỹ năng, ý thức cộng đồng; đảm bảo tính công bằng và yêu cầu của chiến lược quốc tế hóa giáo dục và đào tạo.
“Hiện nay, khi các cơ sở giáo dục đại học đang có rất nhiều ngành/chuyên ngành đào tạo khác nhau với các yêu cầu khác nhau về năng lực của người học thì một kỳ thi chung với số lượng bài thi hạn chế, bó hẹp trong một số môn học chính của trường phổ thông đại trà sẽ không đảm bảo được yêu cầu phân hóa trong đánh giá”, ông Trần Thiên Phúc nhấn mạnh.
Trường ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh có nhiều phương thức tuyển sinh nhằm đạt mục tiêu tuyển đúng đối tượng và đa dạng nguồn tuyển nhưng chưa có cơ sở xây dựng tỉ lệ chỉ tiêu phù hợp theo từng phương thức cũng như mối liên hệ về chất lượng giữa các hình thức tuyển sinh này. Vì vậy, việc đổi mới tuyển sinh là vô cùng cấp thiết.
Với phương thức tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực như cách làm hiện nay, Trường có thể tăng tính tự chủ, chủ động xét tuyển toàn diện hơn để đảm bảo tuyển được các thí sinh có đầy đủ năng lực để đảm bảo đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư đạt yêu cầu chuẩn đầu ra và tinh thần đam mê nghề nghiệp.
GS.TS Mai Trọng Nhuận lưu ý, cần phải đồng thuận với quan điểm chất lượng là yếu tố quyết định sự tồn tại, uy tín, thương hiệu của cơ sở giáo dục. Từ đó thúc đẩy sự cam kết và quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị với công tác đảm bảo chất lượng và chính sách chất lượng. Phát huy tự chủ đại học để phát triển kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao.
ĐHQGHN phải phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, chương trình đào tạo nói chung. Đổi mới quản trị đại học để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp.
Đẩy mạnh liên thông, liên kết và hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa các đơn vị thành viên, trực thuộc trong phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực dùng chung, cơ sở dữ liệu. Phát triển và áp dụng văn hóa chất lượng trong mọi hoạt động, đặc biệt là công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức.
Về đảm bảo chất lượng đào tạo tài năng, chất lượng cao, GS.TS Mai Trọng Nhuận yêu cầu có hành lang pháp lý để mở chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo tài năng, chất lượng cao, tháo gỡ các vấn đề tài chính, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tham gia.
Bên cạnh đó, cần xem xét tích hợp một số năng lực nghề nghiệp, năng lực đặc thù theo thế mạnh, nhu cầu của các bên liên quan vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Tăng cường vai trò gắn kết giữa doanh nghiệp - người sử dụng lao động với cơ sở giáo dục; xây dựng, phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp; đánh giá chất lượng đào tạo dựa vào mức độ hài lòng của người sử dụng lao động.