BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGUYỄN KIM SƠN:
Đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo
Trong khó khăn của năm 2022, ngành giáo dục với sự quyết tâm nỗ lực vượt bậc đã có nhiều kiến nghị “đột phá” về chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, tạo nên một khí thế mới, động lực mới trong toàn ngành. Năm 2023, ngành giáo dục sẽ có những bước đi nào để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được? Đội ngũ nhà giáo sẽ được thụ hưởng những chính sách mới nào, để họ yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề? Nhân dịp đầu xuân năm mới, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo NGUYỄN KIM SƠN.
Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và chất lượng
- Thưa Bộ trưởng, năm 2022 đã qua với nhiều dấu ấn. Là "tư lệnh" ngành, ông đánh giá như thế nào về giáo dục một năm qua?
- Năm 2022, đối với ngành giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn những dấu ấn của ngành trong các từ khóa sau đây: "Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan".
Đối với giáo dục phổ thông, sự đổi mới thể hiện với tốc độ rất nhanh. Cùng trong một năm nhưng giáo dục phổ thông thực hiện thay đổi về sách giáo khoa, về dạy và học đối với nhiều lớp và triển khai đồng thời ở cả 3 cấp, đây là một thách thức. Thách thức còn nhiều hơn khi những việc lớn và khó phải triển khai trong hoàn cảnh chống dịch - thời kỳ chuyển tiếp từ dạy, học trực tuyến quay trở lại mở cửa trường học và bước vào trạng thái bình thường mới.
Đối với giáo dục đại học, sau một vài năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học đã có được khí thế mới và đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện tự chủ về học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.
Đặc biệt, một thách thức lớn nữa, đó là sau một thời gian dịch bệnh, có một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, nhiều trường mầm non tư thục đóng cửa… Điều này đã gây ra sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có những môn mới; có những yêu cầu mới đạt chuẩn về lớp học, số lượng học sinh và giáo viên. Vì vậy đặt ra cho ngành thách thức là làm thế nào đủ số lượng và bảo đảm chất lượng của giáo viên, để có thể vừa duy trì các hoạt động bình thường của ngành cũng như nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới, đạt được kết quả mới.
Trước những thách thức từ bên trong cũng như các thách thức, tác động từ bên ngoài thì toàn ngành, từ cán bộ quản lý cho đến toàn thể giáo viên đã nỗ lực vượt bậc. Trong đó, phải ghi nhận rất cao sự cố gắng của tập thể hơn một triệu giáo viên, một năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt những kết quả rất đáng khích lệ.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn -
- Trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng phát biểu: "Bộ Giáo dục và Đào tạo coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục”. Vậy, Bộ đã có kế hoạch cụ thể gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo?
- Mục tiêu của chúng tôi là phát triển đội ngũ nhà giáo, đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực giáo viên.
Chúng tôi có rất nhiều kiến nghị về chính sách. Trong đó, đáng mừng là ngành giáo dục luôn nhận được sự ủng hộ từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ngành... nên chúng tôi đã được cấp một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn - hơn 65.000 biên chế. Trong bối cảnh cả nước đang tinh giản số lượng biên chế bộ máy, điều này thể hiện sự quan tâm, sự ưu ái đối với ngành giáo dục.
Nhiệm vụ trước mắt của ngành là phối hợp với Bộ Nội vụ, trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng một cách tối ưu: tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, bảo đảm bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới. Cùng với đó, chúng tôi tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với giáo viên để bảo đảm nhà giáo phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Chúng tôi đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện đời sống của nhà giáo. Hy vọng những giải pháp này sẽ đem lại kết quả khả quan.
Để bảo đảm nguồn giáo viên cho nhiều năm sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm. Về việc triển khai Nghị định 116 đặt hàng đào tạo giáo viên, sau 2 năm triển khai, Nghị định này đang gặp một vài khó khăn trong áp dụng thực tế, đặc biệt việc đặt hàng đào tạo từ các địa phương, các tỉnh, thành phố. Vì vậy, chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị định 116 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt nhất việc chuẩn bị đội ngũ trong thời gian sắp tới…
- Được biết, Luật Nhà giáo đang được đề xuất xây dựng, dự kiến Luật mang lại điều gì cho nhà giáo, thưa Bộ trưởng?
- Luật Nhà giáo là bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trình, thuyết minh sự cần thiết, định hướng của bộ luật này trước Chính phủ.
Chúng tôi mong muốn rằng bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo; để chăm lo chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.
Tiếp tục đồng hành và chia sẻ cùng ngành giáo dục
- Năm 2023, ngành giáo dục sẽ ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm nào trước?
- Năm 2023, ngành có rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai và thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã và đang tiến hành, chúng tôi cũng có thêm nhiều nhiệm vụ mới. Trong đó có một số việc thuộc trách nhiệm giải trình của ngành giáo dục và đào tạo trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông, đến vấn đề sách giáo khoa… Dịp này, chúng tôi sẽ đề xuất một số nội dung liên quan đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc có thể điều chỉnh một vài chính sách nhằm phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới.
Năm 2023 là năm quan trọng, tập trung nhiều việc của ngành giáo dục trong lộ trình đổi mới của giáo dục phổ thông vì đây là điểm giữa kỳ cho việc đổi mới của chương trình. Chúng tôi cũng dự kiến hoàn tất việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới, đây cũng là bậc học quan trọng mang tính nền tảng. Ban hành chương trình giáo dục mầm non mới, phối hợp với việc đổi mới của giáo dục phổ thông và những điều chỉnh mới ở giáo dục đại học, sẽ tạo thành tổng thể cho sự đổi mới. Đối với giáo dục đại học, đây là năm mà chúng tôi sẽ có một vài điều chỉnh chính sách để làm cho tự chủ đại học trong thời gian sắp tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Những việc này cần phải có sự chuẩn bị, để sau khi được phê duyệt vào năm 2023 thì triển khai vào các năm tiếp theo một cách tốt nhất. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là nhiệm vụ quan trọng.
Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nhằm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo sự chuyển biến trong hoạt động quản trị, quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục và phối hợp tốt nhất với các bộ, ngành khác.
- Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Bộ trưởng có chia sẻ gì với các giáo viên, phụ huynh và học sinh trên cả nước?
- Tôi mong rằng, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội, những năm vừa qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà giáo, với ngành giáo dục trên mọi phương diện hoạt động, trong tiến trình đổi mới sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ và chia sẻ cùng ngành giáo dục.
Năm 2023, tôi mong muốn toàn ngành giáo dục, tất cả các nhà giáo, đứng trước những thách thức trong thời gian vừa qua đã hết sức nỗ lực cố gắng, thì tiếp tục cố gắng để hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh, nhiệm vụ rất lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng Nhân dân giao phó.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hồng Hạnh - Phương Thảo thực hiện