
Dấu ấn của lịch sử Phật giáo
Các dạng tháp quay này được đoán định ra đời sớm nhất vào cuối thời Trần và muộn nhất là thời Lê, cùng với sự thịnh hành của pháp môn Tịnh Độ, mặc dù yếu tố Tịnh Độ đã được biết đến từ thời Lý với tín ngưỡng thờ Adiđà. Tuy nhiên, các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tồn tại đến ngày nay chỉ còn lại ba ngôi. Đây cũng là ba ngôi tháp đẹp nhất, có niên đại cuối thế kỷ XVII đầu XVIII giai đoạn mà tình hình tôn giáo cũng như xã hội có rất nhiều biến động. Đó là các Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Đồng Ngọ (1692) và chùa Giám, Hải Dương (» cuối XVII), chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (1739). Sự xuất hiện của chúng không chỉ có ý nghĩa nhằm quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo đến quảng đại quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện dấu ấn về lịch sử Phật giáo vào thời điểm chúng xuất hiện. Đó là sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm, Lâm Tế ở miền Bắc. Do đó, chúng chỉ tập trung ở Hải Dương, Bắc Ninh và một số địa phận khác nơi có các ngôi chùa thuộc tông phái này, tuy không phải là tất cả.


Thường các chùa có xây dựng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là những trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị Thiền sư danh tiếng. Như Huyền Quang vị tổ thứ ba của dòng Thiền Trúc Lâm (thời Trần), Chuyết Chuyết, Minh Hành (hai nhà sư Trung Quốc đóng vai trò to lớn trong sự hình thành tư tưởng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII), Chân Nguyên (được coi như người kế tục và phát triển tông phái Trúc Lâm dòng Lâm Tế sau thế kỷ XVII)… Đây là những nhà sư có vai trò lớn trong việc phục hưng Phật giáo. Sự xuất hiện của các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa trong thế kỷ này còn giúp an ủi tinh thần con người nhiều hơn trong xã hội thế kỷ XVII – XVIII khi các cuộc nội chiến liên tiếp xảy ra. Đây cũng là giai đoạn mà tín ngưỡng thờ Quan Âm đặc biệt phát triển. Hình thức thờ Quan Âm cũng là một sự phổ quát rộng rãi của giáo lý Tịnh Độ Tông. Tuy nhiên, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa mang giáo lý thâm diệu và tính chất sâu sắc hơn mà chỉ những bậc chân tu mới có thể sử dụng để hoằng dương Phật pháp. Thông qua tư tưởng của các vị Thiền Sư đã kể đến ở trên, các tháp cửu phẩm còn cho thấy những giá trị của sự giao kết các tông phái Phật giáo Việt Nam như Thiền, Tịnh, Mật, thể hiện rất rõ nét trên hình thức của các cây phẩm.
Biểu tượng toàn bích
Theo từ điển Phật học Hán Việt, Cửu Phẩm trong kinh sách Phật giáo có nhiều loại khác nhau. Cửu Phẩm Liên Hoa có nghĩa là 9 tầng hoa sen hay còn được gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, Cửu Phẩm Tịnh Sát, hoặc Cửu phẩm An Dưỡng. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những phẩm bậc tu hành của Phật giáo Tịnh Độ Tông, do đó nó còn có một tên khác nữa là Cửu Phẩm Tịnh Độ, có nghĩa là chỉ 9 phẩm khác nhau của cõi Tịnh Độ thuộc về Tây Phương Cực lạc mà Phật Adiđà là giáo chủ. Đường tu đạt đến chính quả của Tịnh Độ gồm 9 phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen và được phân thành các phẩm thượng, trung, hạ. Mỗi đài sen ở các phẩm này chứng cho mỗi kiếp đời khác nhau ứng với những công quả vãng sinh khác nhau. Những đài sen càng cao bông sen nở ra thì phẩm trật của nó càng cao, càng thanh khiết, càng gần với tâm cốt lõi của Phật tính.

Cửu Phẩm Liên Hoa chính là một biểu tượng toàn bích của thế giới Phật giáo, là sự liên kết của rất nhiều giá trị biểu tượng khác nhau như: biểu tượng tinh khiết vi diệu của hoa sen; Sự toàn bích của con số 9; Sự vận động và tái vận động liên tục của thể thức trục quay, bánh xe pháp luân hay sự tương đồng với biểu đồ Mandala. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất của hình tượng này chính là sự khuyến dụ con người tự mình phải luôn luôn tự vận động vượt lên chính mình, làm điều thiện bỏ điều ác - mục đích của mọi tôn giáo.
Ngoài các yếu tố học thuật, đối với đời sống dân dã, các tháp này có công năng chủ yếu là dùng để vãng sinh Tịnh Độ cho dân gian thoát khỏi bể khổ trầm luân với những phương thức thực hành đơn giản. Trong tâm tưởng nhân dân, tháp quay Cửu Phẩm có hình thức như một cái cối xay, chỉ có điều khác biệt là nó không trực tiếp tạo ra cơm gạo mà giúp con người khi tụng kinh có thể nhân lời tụng niệm đó lên đến 3.542.400 lần, tức là giúp con người tìm thấy sự giải thoát trong tinh thần nhanh hơn.
Sự xuất hiện của Cửu Phẩm Liên Hoa ở các thế kỷ này cũng góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc tổng thể của ngôi chùa, tạo nên những nhịp điệu sinh động của thế mái lô xô. Kiểu thức nhà chồng diêm 3 tầng, mỗi tầng 4 mái, và hình thức nội tiếp của tòa phẩm được thiết kế thông 3 tầng đã tạo nên một dạng thức kiến trúc đặc biệt trong kiến trúc cổ Việt Nam. Nó có thể đã chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc, nhưng hình thức 9 tầng hoa sen lại rất độc đáo, mà các tháp Phi thiên tạng, chuyển luân tạng ở Trung Quốc không có. Cùng với đó, những mảng chạm khắc về thế giới cực lạc và các vị tổ truyền đăng trên thân tháp cửu phẩm chùa Bút Tháp đã đem đến cho Cửu Phẩm Liên Hoa Việt Nam những lớp ý nghĩa đa tầng lớp.
Trang Thanh Hiền