Cụ Cao Triều Phát là Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh từ đầu tháng 8.1945, là Ủy viên Trung ương lâm thời của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa I (năm 1955). Cụ là cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, là đại biểu Quốc hội và Ủy viên Thường trực Quốc hội Khóa I.
Cao Triều Phát sinh ngày 17.4.1889 tại làng Vĩnh Lợi, tổng Thanh Hóa, tỉnh Bạc Liêu, nay là thành phố Bạc Liêu. Cha ông là Cao Minh Thành, có công chiêu dân khai hoang, lập ấp, có uy tín lớn với dân nên được phong hàm Đốc phủ sứ... Tuy là Đốc phủ sứ, được triều đình ưu ái, song ngược lại, ông luôn luôn ủng hộ phong trào đấu tranh đòi độc lập, nhiều lần tài trợ cho Việt Nam quang phục Hội, ủng hộ tài chính cho các cuộc đấu tranh giành độc lập của chí sĩ Phan Bội Châu và Cường Để.
Cao Triều Phát là người con thứ năm trong gia đình. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Bạc Liêu. Lớn lên, ông học trung học tại Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Tốt nghiệp, ông xin làm thư ký kiêm thông ngôn tại cơ quan tư pháp ở Bạc Liêu. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của người cha trong sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của mình. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ông bị điều động đi lính và được phân công làm thông ngôn cho một đơn vị lính thợ người Việt được chuyển sang Pháp. Những ngày sống trên đất Pháp, ông thường xuyên liên hệ với Tổng Liên đoàn lao động Pháp nhờ giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của những người lính thợ Việt Nam.
Thế chiến kết thúc cũng là lúc ông được phép về nước chịu tang cha.
Năm 1920, ông trở lại Pháp để theo học ngành canh nông. Đây là thời gian ông tham gia nhiều vào các hoạt động do các tổ chức xã hội Pháp tổ chức và có điều kiện tiếp xúc với các thủ lĩnh công đoàn, các chính khách cánh tả Pháp, tham gia các buổi thuyết trình để các tầng lớp nhân dân Pháp hiểu đúng về Việt Nam. Cũng như cha mình trước đây, ông có mối quan hệ thân thiết với các chí sĩ yêu nước Việt Nam như: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc...
Tháng 9.1922, ông về nước, tiếp tục công việc chiêu dân khai hoang của người cha và nhanh chóng trở thành đại phú hộ giàu có vào loại nhất vùng. Cùng với sự nghiệp khai hoang lập ấp, ông tích cực viết bài cho các báo La Tribune indigène (Diễn đàn bản xử) với bút danh Sơn Kỳ Giang. Những bài viết của ông thể hiện rõ quan điểm chống thực dân, đòi quyền bình đẳng cho tư sản bản xứ.
Tháng 6.1925, chí sĩ Phan Chu Trinh về Sài Gòn. Với mối thân quen cũ, ông thường xuyên đến thăm và dự những buổi diễn thuyết của cụ Phan.
Ngày 12.11.1926, Cao Triều Phát cùng một số bạn bè đồng chí hướng thành lập tổ chức Đông Dương Lao động Đảng và cho ra đời hai tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Đảng là Nhật Tân và Ere Nouvelle (Kỷ Nguyên mới). Do lập trường chống thực dân quá lộ liễu, chính quyền Nam Kỳ ra lệnh đóng cửa hai tờ báo, giải tán Đông Dương Lao động Đảng.
Năm 1930, ông được tín nhiệm bầu vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Với cương vị này, ông đã kiên trì đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người bản xứ nói chung, của người lao động nói riêng. Thấy đấu tranh nghị trường không kết quả, ông từ chức và rút khỏi Hội đồng quản hạt.
Từ năm 1933, Cao Triều Phát nhập môn phật giáo Cao Đài - một tôn giáo lớn ở Nam Bộ, dần dần trở thành giáo phẩm cấp cao và sau đó được tôn vinh thành lãnh tụ Cao Đài Hậu Giang.
Ở cương vị lãnh đạo, ông đã tập hợp, giác ngộ chức sắc và tín đồ đạo Cao Đài về tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc đứng lên theo Đảng Cộng sản Đông Dương cùng toàn dân tộc chống Pháp với hai câu nói nổi tiếng: “Bàn thờ tôn giáo thì nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” và “Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo".
Năm 1945, Mặt trận Việt Minh Bạc Liêu được thành lập, đồng chí Lê Khắc Xương - Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm và ông Cao Triều Phát được cách mạng giao làm Phó Chủ nhiệm.
Và đồng bào Cao Đài phái Minh Chơn Đạo do Cao Triều Phát lãnh đạo cũng như Đoàn Thanh niên đạo đức do ông làm Tổng trưởng đã gia nhập Mặt trận Việt Minh ngay từ ngày đó.
Với lòng yêu nước cháy bỏng, Cao Triều Phát đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, hiến 5 nghìn hecta ruộng - vườn cho chính phủ cách mạng lâm thời, để bước vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu giành chính quyền ở Bạc Liêu và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh.
Sau khi giặc tái chiếm Nam bộ và tỉnh Bạc Liêu, Cao Triều Phát đã chỉ huy trận đánh tại Tòa thánh Ngọc Minh nổi tiếng. Sau đó, ông được Xứ ủy điều lên chiến khu làm Cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ.
Tháng 9.1947, trong lúc làm cố vấn, Cao Triều Phát nhận được thư của Hồ Chủ tịch, trong đó có đoạn: “... Dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công lao của ông đối với Tổ quốc, đối với cuộc kháng chiến và rất mong có ngày được gặp ông. Cuộc kháng chiến ngày càng gay go, sự đoàn kết của nhân dân phải ngày càng thắt chặt; ông là một lãnh tụ của một tôn giáo lớn, một nghị sĩ, một bậc lão thành; nhiệm vụ của ông đối với sự đoàn kết ở Nam bộ rất nặng nề. Chính phủ, Quốc hội cũng như đồng bào Trung, Bắc rất hâm mộ và tín nhiệm ông. Với sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể quốc dân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần hơn. Ngày ấy cùng ông uống chung một chén rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng là mong mỏi của tôi. Thay mặt Chính phủ, tôi chúc ông mạnh khỏe luôn để cùng toàn dân theo đuổi cuộc kháng chiến lâu dài đến ngày thắng lợi cuối cùng. Theo bức thư này, tôi kính gửi tặng ông bức ảnh của tôi gọi là vật kỷ niệm mọn”.
Trong bức thư đáp từ tháng 9.1947, Cao Triều Phát viết: “Tôi cảm tạ Chủ tịch có tấm thịnh tình và một nghĩa cử cao quý...".
Bức thư và tấm ảnh Bác Hồ - hai kỷ vật thiêng liêng đó cùng với chiếc áo Bác Hồ tặng đã theo ông suốt cuộc kháng chiến cho đến ngày tập kết ra Bắc. Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mời nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát ra Bắc. Nhận được điện, từ vùng giải phóng ở Cà Mau xa xôi - mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, cụ Cao đi Phụng Hiệp, đáp máy bay lên Sài Gòn rồi bay thẳng ra Hà Nội, theo đường bộ lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 20.9.1954, giữa núi rừng Đại Từ, 2 nhà yêu nước vui mừng gặp lại nhau sau 34 năm xa cách để “cùng uống rượu đào, ngâm thơ mừng kháng chiến thắng lợi”.
Ở miền Bắc, với chức danh Chưởng quân Cửu Trùng Đài, Cụ tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội thành lập MTTQ VIệt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10.9.1955 và được cử vào Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Một kỷ niệm khó quên mà Cụ thường nhắc đến với thái độ trân trọng và niềm tự hào là Tết năm 1955 - cái Tết đầu tiên của Cụ ở miền Bắc, Cụ cùng nhiều nhân sĩ, trí thức ở miền Nam ra Bắc tập kết được Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chính và Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm tại Chủ tịch phủ. Mở đầu, Hồ Chủ tịch nói: "Hôm nay khách mời khá đông, tôi xin bắt tay người khách lớn tuổi nhất và người khách nhỏ tuổi nhất". Nói xong, Bác Hồ đến bắt tay Cụ Cao Triều Phát và người con trai út của Cụ lúc đó mới 10 tuổi.
Rất tiếc, do bạo bệnh, mặc dù Đảng, Nhà nước và các giáo sư, bác sĩ đã dốc lòng cứu chữa nhưng cụ vẫn không qua khỏi. Cụ qua đời vào ngày 8.9.1956, hưởng thọ 67 tuổi.