Chiều 18.5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023.
Chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về vấn đề nhà ở
Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp khoảng 165.000 lao động. Trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 80%.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I.2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với CNLĐ ở các Khu công nghiệp và chế xuất. Hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường phổ thông trung học dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Từ tháng 9.2022, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trở lại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ … Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm.
Đối với các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau (2023).
Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc dài ngày, hưởng lương ngừng việc. Dẫn đến một số CNLĐ mất thu nhập, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.
Theo thống kê, hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) của Thành phố là 2.218.675 người; tăng 160.898 người, tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đống BHXH tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4.2023, tỷ lệ nợ BHXH toàn thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng trên 5.191 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động, trong đó: riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.
Thực hiện kế hoạch về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng 44% so với năm 2021 (riêng trong quý I.2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 44.573 lao động, đạt 27,5% kế hoạch giao trong năm).