Hỏi - Đáp

Có thể đặt tên cho con quá dài không?

Hỏi: Ông Trần H đến UBND xã để đăng ký khai sinh cho con. Trong Tờ khai đăng ký khai sinh, vợ chồng ông H thống nhất đặt họ tên con là “Trần Nguyễn Hòa Bình Minh Thị Long Lanh Ánh Dương”. Công chức tư pháp - hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh, vì lý do họ tên của trẻ em như vậy là “quá dài, khó sử dụng”, là vi phạm quy định pháp luật.

Việc công chức tư pháp - hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh như vậy có đúng không?

Trả lời:

Về việc hướng dẫn đặt tên cho trẻ em, tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 04/2020/TT BTP đã quy định, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Thực tiễn công tác hộ tịch ở Việt Nam cho thấy, khái niệm “tên” như quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP nêu trên, trong nhiều trường hợp được hiểu bao gồm cả họ, chữ đệm và tên. Trong đó, theo ngôn ngữ và cách viết, cách ghép từ cũng như đặc tính đơn âm trong tiếng Việt, thì Họ (là từ đầu tiên) và Tên (từ cuối cùng) thường chỉ có một từ, còn chữ đệm (ở giữa) thì có người có, có người không. Ví dụ, trong tình huống này, ông Trần H chỉ có họ (Trần) và tên (H), không có chữ đệm. Nhưng đa số người Việt thì có chữ đệm là một từ (Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Bình, Trần Hồng Hà, Đoàn Mạnh Linh...) hoặc có người có chữ đệm nhiều từ (Trần Du Mục Kinh Hoàng, Lê Trọng Nghĩa Hân Hoan...).

Như vậy, theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP, độ dài hay ngắn của tên là hoàn toàn phụ thuộc vào chữ đệm, chứ không phải họ hoặc tên, xét về cấu trúc ngữ pháp. Nói tên dài, nghĩa là tên đệm/chữ đệm gồm nhiều từ (ít nhất 3 từ trở lên). Tên quá dài, được hiểu là tên đệm/chữ đệm có 4 từ trở lên (ví dụ, Trần Thị Long Lanh Ánh Nguyệt Nga có tới 5 từ trong chữ đệm).

Trên tinh thần đó, thực hiện Thông tư số 04/2020/TT-BTP, không nên đặt tên đệm/chữ đệm quá dài, chỉ nên đặt chữ đệm tối đa ba từ, ví dụ: “Trần Nguyễn Văn Mạnh Trường” (Trần là họ, Trường là tên, Nguyễn Văn Mạnh là chữ đệm) là phù hợp.

Trong tình huống nêu trên, vợ chồng ông Trần H đặt tên cho con là Trần Nguyễn Hòa Bình Minh Thị Long Lanh Ánh Dương, có tới 8 từ trong chữ đệm, là quá dài. Trẻ em sẽ rất khó khăn khi sử dụng cái tên quá dài, vì chắc chắn trên các mẫu giấy tờ tùy thân sẽ không đủ chỗ để ghi hết họ, chữ đệm, tên gồm 10 từ như vậy. Chưa kể trẻ em có thể gặp phải sự trêu đùa không mấy thiện ý từ bạn bè và những người xung quanh về cái tên dài lạ của mình. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, đến sự phát triển bình thường và quyền lợi của trẻ. Do đó, việc công chức tư pháp - hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ là có cơ sở, nhưng cũng cần giải thích những điều đó cho ông H để vợ chồng ông H lựa chọn tên phù hợp cho con.

__________

(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)

Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?
Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?

Xin hỏi, trường hợp bị cho nghỉ việc cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không? Không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đủ điều kiện hưởng thì bị phạt thế nào? – Câu hỏi của bạn Đức Huy (Hải Dương).

“Trợ lý ảo” báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong TAND tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của TAND tối cao.
Giải đáp pháp luật

Nâng hiệu quả xét xử nhờ trợ lý ảo

Những năm gần đây, ngành tòa án Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong công tác xét xử và hành chính tư pháp. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc triển khai phần mềm trợ lý ảo tòa án, hỗ trợ cán bộ tòa án trong việc tra cứu văn bản pháp luật, giải quyết tình huống pháp lý và nâng cao hiệu quả xét xử.