Chuyện những giáo viên cắm bản gieo chữ ở biên giới Việt - Lào

Họ là những giáo viên khắp các huyện, thành thị của tỉnh Nghệ An lên đây cắm bản và gieo chữ nơi biên giới Việt - Lào.

Nhiều cô giáo chấp nhận thiệt thòi trong cuộc sống cá nhân, gia đình để mang "cái chữ" đến với học trò vùng biên ải.

Để hoàn thành nhiệm vụ, vận động học sinh đến trường, để các em "đọc thông, viết thạo và biết làm phép tính" thì các thầy giáo, cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBTTHCS) xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) phải biết đến rất nhiều việc khác, ngoài dạy chữ.

Những giáo viên cắm bản gieo chữ ở biên giới Việt - Lào -0
Các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Tam Hợp

Đam mê lửa nghề

Trường PTDTBTTHCS Tam Hợp, xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An - nơi có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ. Họ đến đây từ nhiều địa phương khác nhau, mỗi người có hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Nhưng ở họ một điểm chung đó là yêu nghề, yêu trẻ. Họ coi nhau như anh em, coi mái trường này là tổ ấm, là gia đình của họ.

"Ngày em mới chân ướt chân ráo lên đây cảm giác hụt hẫng, vì không biết tiếng dân tộc"- cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (40 tuổi), giáo viên dạy môn Sinh - Hóa, không dấu nổi xúc động nhớ lại ngày đầu chập chững bước vào nghề dạy học.

Cô Nguyễn Thị Hiếu, quê tận Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Vinh năm 2004, cô quyết định nộp đơn xin việc làm ở huyện miền núi Tương Dương để công tác. Sau 1 năm chờ đợi, năm 2005 cô đã có quyết định tuyển dụng và được phân công vào dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Tam Hợp.

"Em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được đi dạy học, cái nghề mà mình hằng mơ ước từ tấm bé. Nhưng lo vì nghe người ta nói Tam Hợp là xã cực Nam của huyện Tương Dương, còn rất nhiều khó khăn, tuy không xa nhưng đường khó đi lắm", cô Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ.

Đường xá, phương tiện đi lại khó khăn, nhưng cái đáng ngại nhất đối với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hiếu lúc bấy giờ là sự bất đồng về ngôn ngữ với học sinh. Cô Hiếu cho hay, ở đây có 3 dân tộc chủ yếu là Thái, Mông và Tày Poọng, 100% các em học sinh đều sử dụng tiếng dân tộc.

Cô Hiếu bộc bạch: "Nhớ ngày đầu muốn đến gần các em hỏi han và làm quen nhưng vô cùng khó, bởi có hỏi, có nói chuyện các em cũng chỉ biết ngước mắt nhìn cô ngơ ngác rồi lắc đầu "bỏ hủ", "chi pâu" (không biết)”.

Những giáo viên cắm bản gieo chữ ở biên giới Việt - Lào -0
Cô Hiếu trong một giờ lên lớp

Dạy học được 2 năm, cô Hiếu bén duyên với thầy giáo Hồ Đình Kỷ dạy cùng trường. Cô tâm sự: "Anh ấy ra trường trước em 1 năm, đã từng dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Luân Mai (xã Nhôn Mai) trước khi chuyển vào đây công tác. Là người anh, là đồng nghiệp lại cùng quê Nam Đàn nên bọn em thường xuyên chia sẻ nỗi niềm riêng tư và em đã nhận lời khi anh ấy ngỏ lời yêu thương".

“Sinh nghề tử nghiệp”… gửi con về quê

Bây giờ vợ chồng cô Hiếu, thầy Kỷ đã có 2 con. Đứa con trai đầu được vợ chồng cô Hiếu gửi về ở với bà ngoại ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn), còn cháu thứ 2 thì theo mẹ, hiện cháu đang học lớp 4, Trường Tiểu học Tam Hợp.

"Bố tôi và bố mẹ anh Kỷ đều mất cả rồi, nên việc chăm con bọn em đều nhờ cậy bà ngoại ở quê thôi. Nhưng bà năm nay cũng đã 87 tuổi, già yếu rồi, vợ chồng chúng tôi cũng chỉ biết nhờ trông giúp cháu đầu, còn đưa thứ hai đành phải theo mẹ lên đây. Năm ngoái anh Kỷ lại được phân công lên dạy học ở xã ốc đảo lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Hữu Khuông. Bây giờ, vợ chồng, con cái mỗi người một nơi nên tôi cũng khá vất vả", cô Hiếu chia sẻ thêm.

Cùng chung cảnh ngộ cô Hiếu, thầy Kỷ, cô Nguyễn Thị Tố Loan - giáo viên dạy Ngữ văn và Lịch sử quê ở xã Hưng Chính, thành phố Vinh. Ra trường trước cô Hiếu 5 năm và đã từng dạy học ở các xã Yên Na, Tam Đình, Nhôn Mai trước khi vào dạy học ở Trường PTDTBTTHCS Tam Hợp.

"Nhiều đồng nghiệp nói với bọn tôi vì đồng lương mà chấp nhận vào dạy học ở nơi khỉ ho cò gáy này. Nhưng tôi đâu phải vì tiền, mà vì học sinh đấy chứ. Là nhà giáo, ai mà chẳng mong muốn dạy học ở nơi có điều kiện tốt, học sinh chăm chỉ học hành… Nhưng mình phải chấp nhận sự phân công của tổ chức thôi", cô Loan giãi bày.

Hoàn cảnh của cô Loan cũng khó khăn chẳng kém gì cô Hiếu. Hai vợ chồng có với nhau hai mặt con, chồng cô làm nghề xây dựng. Cháu trai đầu đang học Đại học Vinh, chuyên ngành xây dựng, còn đứa thứ 2 học lớp 5.

Trước đây vợ chồng cô Loan đều đi làm xa nên 2 cháu ở với bà nội ở quê cũng đã già yếu. Vài năm trước anh ấy bị tai nạn, sức khỏe yếu đi rất nhiều, không đi làm được việc nặng nhọc, anh chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm con, thu nhập của gia đình cũng giảm đi, chủ yếu chờ vào đồng lương của cô Loan.

Sống xa gia đình, có nhiều lúc nhớ nhà, nhớ các con quá, cô Hiếu, cô Loan liền chạy sang khu ký túc xá học sinh, hướng dẫn các em học bài hoặc nô đùa với các em, cũng có lúc lại vào nhà ăn xem các em ăn như thế nào, có đứa nào bỏ bữa không…cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà, nhớ con.

"Ban giám hiệu cũng chia sẻ và thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi, nên chỉ bố trí thời khóa biểu dạy học đến thứ 6. Hết tiết 5, chẳng kịp ăn cơm trưa, vội bắt xe lai vượt hơn 30km từ trường ra quốc lộ đứng đón xe để về với các con. Thời gian về nhà thăm con, thăm chồng, ông bà cũng chỉ vỏn vẹn được 1 ngày. Và trưa Chủ nhật lại đón xe ngược bản làng về trường để còn kịp đầu tuần lên lớp", cô Loan bùi ngùi tâm sự.

Còn với cô Lê Thị Nga - giáo viên dạy môn Văn và Giáo dục công dân cũng thế. Cô Nga quê ở xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, lên huyện miền núi biên giới Tương Dương dạy học từ năm 1999. Lên đây công tác được ít năm, cô lấy chồng và định cư ở làng Khe Bố, xã Tam Quang (huyện Tương Dương).

Những giáo viên cắm bản gieo chữ ở biên giới Việt - Lào -0
Cô giáo Lê Thị Nga đi dạy học và định cư ở làng Khe Bố, xã Tam Quang (huyện Tương Dương)

"Khi mới lên đây tôi dạy học ở Trường Phổ thông cơ sở Kim Tiến. Kim Tiến lúc đó là một xã thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Sau đó không lâu, thủy điện Bản Vẽ tích nước, xã Kim Tiến di dời dân, xóa sổ hàng loạt bản làng ở đây. Từ đó, các em học sinh ở nơi đây cũng theo bố mẹ, ông bà đi tái định cư.

Hai năm sau, tôi chuyển về Trường Phổ thông cơ sở Tam Quang dạy học. Năm học 2016-2017, tôi chuyển vào Trường PTDTBT THCS Tam Hợp dạy cho đến tận bây giờ", cô Nga bộc bạch.

Còn thầy Nguyễn Thạc Hồng (ở Xuân Lâm, Nam Đàn), giáo viên dạy tiếng Anh, ra trường năm 2003 vào làm việc ở Bình Dương. Đến năm 2004, thầy Hồng nộp hồ sơ xin việc làm ở Tương Dương và được phân công vào dạy Tam Hợp, rồi bén duyên với một cô gái dân tộc Thái, công tác tại UBND xã Tam Hợp.

Những giáo viên cắm bản gieo chữ ở biên giới Việt - Lào -0
Các giáo viên Trường PTDTBT THCS Tam Hợp phấn chấn trong ngày Nhà giáo Việt Nam

"Tôi kết hôn năm 2007 với một người con gái bản ở đây. Sau khi lập gia đình, tôi và vợ dựng một ngôi nhà nhỏ ở gần trường để thuận tiện cho sinh hoạt, công tác. Năm nay, vợ em lại có quyết định thuyên chuyển ra công tác ở xã Tam Thái nên việc quản lý, chăm sóc bọn trẻ hàng ngày đều do tôi", thầy Hồng chia sẻ.

Nhìn các em học sinh đang tập thể dục giữa giờ, thầy Hồng cho biết thêm: "Học sinh ở đây chỉ được cái ngoan, còn học hành thì yếu lắm, nhiều em chưa nói thạo tiếng Việt, chứ nói gì học tiếng Anh".

Với những giáo viên ở miền xuôi lên gieo chữ ở miền ngược luôn đau đáu bao nỗi gian truân. Nhưng tất cả, với họ vì sự nghiệp trăm năm trồng người họ đều yêu học sinh, con trẻ như chính những đứa con của mình vậy.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.