Đòn bẩy cải thiện chất lượng giáo dục đại học

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:39 - Bản đầy đủ
Lựa chọn và xây dựng mô hình quản trị, thực hiện cải cách theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường đại học là xu thế tất yếu. Các trường đại học với mô hình quản trị đại học tự chủ cao đi cùng với trách nhiệm giải trình xã hội, đã, đang và sẽ luôn đi tiên phong, từng bước khẳng định và đưa vị thế giáo dục đại học Việt Nam lên tầm cao mới.

Từ can thiệp sang dẫn dắt

Theo các chuyên gia, xã hội càng phát triển thì nhu cầu giáo dục đại học càng cao và việc bảo đảm hệ thống giáo dục đại học được quản trị tốt ngày càng trở nên cấp thiết. Quản trị đại học được ví, dẫu chiếc xe có tốt hoặc đẹp cỡ nào nhưng điều khiển đi sai đường thì nó cũng không thể đến đích. Quản trị đại học trở thành đòn bẩy để cải thiện chất lượng giáo dục, và điều cốt lõi để trở thành trường đại học hàng đầu thế giới chính là hệ thống quản trị hàng đầu nhằm duy trì mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đại học.

Theo Th.S Nguyễn Minh Huyền Trang, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cùng với làn sóng đổi mới quản lý khu vực công lập, hầu hết hệ thống giáo dục đại học trên thế giới đang chuyển đổi cơ chế quản trị theo hướng chuyển từ việc Nhà nước can thiệp trực tiếp sang dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học một cách gián tiếp. Cạnh tranh thị trường được tăng cường để gây áp lực cho trường đại học phải cải thiện tính hợp lý của kết quả đào tạo và nghiên cứu.

Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà chủ đạo là kết nối và công nghệ số tạo môi trường học tập mở đang đặt ra yêu cầu các trường đại học theo mô hình truyền thống - quản lý và điều hành mang tính hành chính như các trường đại học công lập hiện nay phải thay đổi... Trong bối cảnh đó, thực hiện quản trị đại học theo mô hình tự chủ có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò điều phối, hỗ trợ, giám sát và sự tự chủ cao của bộ máy quản trị điều hành các cơ sở giáo dục đại học là mô hình hết sức đúng đắn.

Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục đại học tăng trưởng và phát triển nhanh chóng trong hơn một thập kỷ qua với khát khao tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là về quản trị hệ thống và quản trị nhà trường. Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang trong quá trình đổi mới quản trị, chuyển từ mô hình quản trị tuân thủ sang mô hình quản trị tự chủ. Quá trình này được khởi đầu từ năm 1998 với quy định về quyền tự chủ đại học trong Luật Giáo dục. Đó là một quá trình đắn đo, nhọc nhằn, gập ghềnh suốt hơn 20 năm nay do những rào cản về nhận thức, thể chế và năng lực. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tìm cách dỡ bỏ các rào cản đó để mô hình quản trị tự chủ thực sự đi vào cuộc sống.

Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học là xu thế tất yếu  

Xóa trình trạng “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”

Tinh thần chung quản trị đại học của nền giáo dục phát triển là trao quyền cho trường đại học tự chủ và trách nhiệm giải trình. Theo Th.S Nguyễn Quang Giải, Th.S Nguyễn Hải Linh, Th.S Phú Thị Tuyết Nga, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, Việt Nam cũng đang đi theo định hướng này, bước đầu đã có khoảng 20 trường và hầu hết thành công. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đứng về mặt quản lý vĩ mô thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đứng ra kiểm soát và đôi khi kiểm soát quá sâu.

Thực tế, hoạt động tự chủ đại học Việt Nam đang chịu sự quản lý từ nhiều luật, và bộ, ngành. Do đó, dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là cơ sở pháp lý về tự chủ đại học nhưng rất cần sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành, thì việc triển khai, áp dụng luật mới thật sự hiệu quả - xóa trình trạng “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”. Cùng với đó, sứ mạng trường đại học để nhà trường tự quyết định; vị thế Hội đồng trường cần được nâng cao, tổ chức và thực hiện tốt mô hình Hội đồng trường và Hội đồng quản trị, để thực hiện tự chủ và tự do học thuật một cách đầy đủ.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang trong quá trình đổi mới quản trị, chuyển từ mô hình quản trị tuân thủ sang mô hình quản trị tự chủ. Tuy nhiên, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, tự chủ chỉ là một trong tập hợp đồng bộ các yếu tố cần thiết để tạo nên thành công của nhà trường. Tập hợp này gồm: Quyền tự chủ cao cho nhà trường; vị thế chuyên nghiệp của nghề dạy học; chương trình giáo dục mềm dẻo và phù hợp; hệ thống giải trình đầy đủ và minh bạch; hệ thống quản trị nhà trường hoạt động hiệu quả. Để hệ thống quản trị nhà trường hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nhà trường đại học là một hệ thống phức hợp bên trong, vận động trong một môi trường bên ngoài thay đổi nhanh chóng và khó lường, thì việc chuyển sang quản trị số là tất yếu và cần thiết. Trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành, trước yêu cầu bức thiết chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học cần phát huy hơn nữa tính chủ động để công nghệ trong giáo dục thực sự trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ công tác quản trị, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh quyền tự chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long góp ý: Chính phủ cần triển khai xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, đánh giá mô hình quản trị đại học tiên tiến được triển khai áp dụng thành công, hiệu quả để nhân rộng; hoàn thiện hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng và chính sách liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học... Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học cần triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến theo quy định của Luật Giáo dục đại học; phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học...

Ngọc Phương

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP