Từ ngày 15-18.12, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAAN – Nhật Bản. Báo Đại biểu Nhân dân vừa có buổi phỏng vấn Chủ tịch UBDN TP Cần Thơ Trần Việt Trường sau chuyến công tác thành công tốt đẹp này.
Được biết, ông vừa có chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản. Xin ông chia sẻ đôi điều về chuyến công tác này?
Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 đến 18.12, TP Cần Thơ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản đồng thời ký kết bản ghi nhớ với Tập đoàn AeonMall, Nhật Bản.
Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9.1973, mối quan hệ của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất. Nhật Bản được xác định là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Như ông đã nói, Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Như vây, điều này có nghĩa, Nhật Bản đã đầu tư nhiều công trình, dự án tại TP Cần Thơ?
Thời gian qua, đối tác Nhật Bản quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều công trình dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội không chỉ cho Cần Thơ mà còn cho các địa phương lân cận. Trong đó có công trình điểm nhấn là cầu Cần Thơ (hoàn thành năm 2010), gần đây là 2 công trình: "Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu" và "Tòa nhà công nghệ cao", thuộc hợp phần "Xây dựng cơ sở vật chất" của dự án "Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ" vay vốn ODA Nhật Bản, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho TP Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản xếp thứ 1/22 quốc gia và vùng lãnh thổ về vốn đầu tư dự án FDI tại TP Cần Thơ với 8 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỉ USD. Các dự án đầu tư ở các lĩnh vực như: sản xuất điện, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất găng tay bóng chày), công nghệ thông tin, dịch vụ.
Về hợp tác thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Cần Thơ sang Nhật Bản là 207,18 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu là 26,48 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản là 134,14 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu là 18,97 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến, thép và các sản phẩm từ thép, dược phẩm, hóa chất, lông vũ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, vải, máy móc, thiết bị…
Từ kết quả đầu tư, hợp tác thương mại giữa các đối tác Nhật bản và TP Cần Thơ cho thấy hai bên có mối quan hệ mật thiết. Vậy, TP Cần Thơ làm gì để thúc đẩy mối quan hệ giữa các đối tác Nhật Bản và TP Cần Thơ phát triển hơn nữa?
Nhằm triển khai các hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư đối với các đối tác Nhật Bản, Văn phòng Japan Desk Cần Thơ đã được thành phố thành lập. Trong đó có mời một số thành viên người Nhật hỗ trợ, tư vấn thủ tục, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ. Có nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư đối tác Nhật Bản được tổ chức tại Cần Thơ và tại Nhật Bản với mong muốn quảng bá môi trường đầu tư, giới thiệu các dự án thành phố mời gọi đầu tư đến các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng.
Mối quan hệ Cần Thơ - Nhật Bản còn được khẳng định qua các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài có nguồn gốc từ Nhật Bản đã hoàn thành và đang triển khai tại địa phương trong các lĩnh vực môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, đầu tư cầu giao thông nông thôn… Từ năm 2015-2023, TP Cần Thơ đã tiếp nhận 12 tình nguyện viên JICA đến làm việc tại 7 cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực: y tế, thể thao, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, nông nghiệp…
Có nhiều văn bản hợp tác quốc tế được ký kết giữa TP Cần Thơ do UBND thành phố là đại diện và các địa phương của Nhật Bản như: tỉnh Hyogo, TP Okayama, TP Nasushiobara thuộc tỉnh Tochigi. Các ghi nhận hợp tác thông qua thỏa thuận hợp tác của đơn vị, sở ban ngành, các trường trên địa bàn thành phố với các đơn vị, tổ chức của Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, quản lý thông tin đất đai, hợp tác về y tế, giáo dục, định hướng cho học sinh, sinh viên có nhu cầu học tập và làm việc tại Nhật sau khi ra trường… Công tác giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân được chú trọng: Từ năm 2018, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố, Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP Cần Thơ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về ngoại giao nhân dân với 6 đối tác Nhật Bản. Hàng năm, các đối tác có trao đổi đoàn nhân các sự kiện lớn của thành phố hoặc khi có chuyến công tác sang nước bạn.
Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Nhật Bản vừa qua, được biết đã có tập đoàn lớn của Nhật Bản cam kết đầu tư vào TP Cần Thơ? Ông có thể chia sẻ về điều này và thành phố có kỳ vọng gì từ cái "bắt tay" hợp tác này?
Tập đoàn AeonMall là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Á, có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Và trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Nhật Bản vừa qua,Tập đoàn AeonMall quyết định đầu tư tại TP Cần Thơ. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1989, hiện có hơn 200 trung tâm thương mại tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. AeonMall bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay, tập đoàn đã có 5 trung tâm thương mại tại VN.
Việc hợp tác giữa AeonMall và TP Cần Thơ có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang đến những tác động tích cực thông qua việc tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ và ĐBSCL. Trung tâm thương mại AeonMall sẽ mang đến một không gian mua sắm, vui chơi, giải trí hiện đại, tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân TP Cần Thơ và ĐBSCL. Do đó, việc AeonMall đầu tư tại TP Cần Thơ góp phần nâng cao vị thế của Cần Thơ trên bản đồ kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ở chiều ngược lại, TP Cần Thơ có diện tích tự nhiên hơn 1.400km2, với dân số gần 1,3 triệu người, nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL (diện tích hơn 40.000km2, dân số gần 18 triệu người). Đây được xem là một thị trường đầy năng động và tiềm năng cho Tập đoàn AeonMal cũng như các tập đoàn thương mại quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến TP Cần Thơ đầu tư.
Trên nền tảng hợp tác với Nhật Bản được thiết lập xây dựng thời gian qua, với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, TP Cần Thơ định hướng đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản trong những lĩnh vực nào?
- Với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, TP Cần Thơ định hướng đẩy mạnh hợp tác đầu tư với đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics… Cụ thể là thực hiện đầu tư tại Khu công nghệ thông tin tập trung TP Cần Thơ; nghiên cứu dự án Trung tâm Logistic hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư các dự án sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sau khi Đề án thành lập Trung tâm liên kết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố cũng mong muốn mời gọi đối tác Nhật Bản đầu tư, phát triển các dự án trung tâm thương mại; kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ nhà cung cấp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; góp phần khai thác các sản phẩm thế mạnh của TP Cần Thơ.
Trên lĩnh vực công nghiệp, thành phố mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng; mời gọi đối tác Nhật Bản vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) với một số ngành công nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện; thiết bị y tế, dược phẩm; thực phẩm chức năng, gia vị.
Hiện tại trên địa bàn TP Cần Thơ thuộc phạm vi quản lý của thành phố chưa có dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có vốn đầu tư của đối tác Nhật Bản đang triển khai. Vì thế, thành phố đang tích cực xúc tiến kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho 2 dự án là Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ (quy mô 200 giường) và Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ. Đồng thời, mong muốn tiếp nhận tình nguyện viên JICA lĩnh vực hợp tác, phát triển quốc tế để có thể kết nối hiệu quả mối quan hệ với các địa phương và đối tác Nhật Bản để hợp tác trên các lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp.
..."TP Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy và trọng điểm để thắt chặt quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Thành phố cam kết luôn đồng hành hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho AeonMall cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản trong suốt quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, tiếp cận thủ tục đầu tư cũng như trong quá trình xây dựng, vận hành dự án. Sự phát triển của các nhà đầu tư sẽ tạo ra động lực để TP Cần Thơ vươn mình phát triển, xứng tầm vị thế thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL". Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, nhấn mạnh.
Xin cám ơn ông!