
3 năm kể từ khi chính thức tiếp nhận đội bóng - khi ấy là CLB bóng đá Thanh Hoá đang đứng trước muôn vàn khó khăn, những hướng đi của ông Cao Tiến Đoan đã đem lại khởi sắc bất ngờ cho bóng đá xứ Thanh. Từ đội bóng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, phải chật vật tranh suất trụ hạng V-League, Đông Á Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 5 V-League năm 2021; giành Huy chương Đồng Cúp Quốc gia; Huy chương Đồng U21 quốc gia vào năm 2022. Năm 2023, Đông Á Thanh Hóa vô địch U19 quốc gia, vô địch Cúp Quốc gia, xếp thứ 4 V-League và mới nhất là lên ngôi vô địch Siêu cúp Quốc gia.
Ông Cao Tiến Đoan là đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hoá, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa IX, Chủ tịch CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa.
Trong thể thao, Chủ tịch CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa Cao Tiến Đoan ghi dấu ấn với phát ngôn: “Bóng đá là một môn thể thao có thể xây dựng được hình ảnh của quê hương, do đó cầu thủ cần phải là những người đầu tiên ý thức được điều này. Cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn cứ yên tâm đá”. Trên các cương vị khác, ông Cao Tiến Đoan tâm niệm: “Đối với chính quyền thì lấy tâm làm trọng. Đối với doanh nghiệp thì lấy sạch làm đẹp”.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Tiến Đoan sau chiến thắng lịch sử của CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ làm bóng đá”
- Trước tiên, xin chúc mừng CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa với chức vô địch Giải bóng đá Siêu cúp quốc gia năm 2023, xin chúc mừng Chủ tịch CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa Cao Tiến Đoan! Ông có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình khi đội bóng ông lãnh đạo đã đạt được thành tích cao nhất trong lịch sử bóng đá Thanh Hóa từ trước tới nay?
Ông Cao Tiến Đoan: Không những tôi mà tất cả Ban lãnh đạo CLB và người dân Thanh Hóa, đặc biệt là người hâm mộ CLB đều rất vui mừng, phấn khởi đón nhận thành công mà bóng đá Thanh Hóa trước nay chưa từng có. Chức vô địch này đã trả lại những khao khát, mong chờ của hàng triệu người dân Thanh Hóa đối với nền bóng đá tỉnh nhà khi nhiều năm không đạt được thành tích tốt, luôn xếp cuối bảng xếp hạng hoặc phải tranh suất trụ hạng.
3 năm vừa qua làm bóng đá, tôi rất vinh dự và tự hào khi cùng đội bóng mang về cho tỉnh Thanh Hóa những chức vô địch. Điều này cũng ghi nhận sự nỗ lực của Ban lãnh đạo CLB, của cầu thủ; sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; cùng tình yêu của người hâm mộ đã hun đúc lên tinh thần “màu cờ sắc áo” vì quê hương Thanh Hoá, mà nhờ đó chúng tôi thành công được như vậy.

- Để đạt được thành tích cao nhất là chức vô địch Siêu cúp quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Thanh Hóa, ông và Ban lãnh đạo đội bóng đã có những kế hoạch, chiến lược xây dựng đội bóng vững mạnh toàn diện như hiện nay như thế nào chỉ sau 3 năm nhận nhiệm vụ?
Ông Cao Tiến Đoan: Thú thực, trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ làm bóng đá. Nhưng tôi hiểu bóng đá quan trọng với người dân xứ Thanh như thế nào.
Trước khi tôi nhận nhiệm vụ (vào ngày 20.11.2020), đội bóng Thanh Hóa có rất nhiều thị phi, khiến người dân trong tỉnh cũng như người hâm mộ chưa hài lòng, không tin tưởng, mặc dù Thanh Hóa là một trong những địa phương mà người dân đam mê bóng đá và có khát vọng rất lớn.
Trước tình hình đó, tỉnh có kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp. Dù không phải là người ham bóng đá, nhưng với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, là người con Thanh Hóa, là một doanh nhân, tôi cũng muốn làm điều gì đó để cùng chung vai với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp đưa dấu ấn mang tính chất lịch sử cho bóng đá Thanh Hoá.
Đứng trước quyết định có nhận đội bóng hay không, tôi họp gia đình mấy lần và các con tôi cản. Bởi các cháu muốn tôi nghỉ ngơi, muốn gia đình giảm bớt công việc và đi du lịch cùng nhau nhiều hơn. Nhưng rồi tôi nói với các cháu rằng gia đình mình được như thế này cũng là nhờ sự ưu ái của xã hội. Đây cũng là cơ hội để trả ơn cho xã hội thông qua con đường bóng đá.
Lúc tỉnh cần, người hâm mộ cần, mình phải có trách nhiệm gánh vác. Vậy là quyết định được đưa ra chóng vánh, hôm sau tôi gửi đơn và tiếp quản đội bóng luôn mà không hề có sự chuẩn bị gì.
Khi tôi nhận đội bóng, phải nói rằng từ hạ tầng cơ sở đến tư duy, chất lượng đội hình, chất lượng lãnh đạo của đội bóng đều đang đi xuống một cách trầm trọng. Tôi phải tái thiết lại tất cả, đặc biệt là đi kêu gọi người hâm mộ là người con Thanh Hóa trên mọi miền Tổ quốc, cùng chung lại thành một khối đại đoàn kết, làm sao có sự kích cầu nhất định, tạo động lực, tinh thần rất cao vì màu cờ sắc cao để đội bóng quyết tâm.
Chúng tôi lập ra một bản kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ tái cơ cấu lại đội , giữ chân công thần, đào tạo tài năng trẻ của địa phương, tìm kiếm những bản hợp đồng tốt. Duy trì làm sao khi nào cũng được một nửa cầu thủ là bản địa. Tất cả đều phải có một bản kế hoạch mang tính tầm nhìn và cố gắng thực hiện nó.

Ngoài tiền của phải bỏ ra thì một năm tôi mất khoảng 1/3 thời gian dành cho đội bóng. Con trai tôi - cháu Đức (ông Cao Hoàng Đức, Giám đốc điều hành CLB Đông Á Thanh Hóa - PV) thôi việc Tập đoàn xuống điều hành trực tiếp.
Về huấn luyện viên (HLV), ban đầu, tất cả những HLV tôi mời đều từ chối, với lý do “rất sợ đội Thanh Hóa”, sau những thị phi thời điểm đó. Cuối năm 2020, tôi liên lạc với HLV Ljupko Petrovic (người đã dẫn dắt CLB FLC Thanh Hóa giành vị trí á quân V.League 2017) và cũng bị từ chối.
Tôi tiếp tục thuyết phục ông ấy, trò chuyện qua Facetime, cuối cùng được nhận lời. Rất nhiều người không tin là tôi làm được điều “kỳ diệu” đó. Quả thực, nắm quyền điều hành CLB được 1 năm, với lối huấn luyện phòng ngự phản công chắc chắn, HLV Ljupko Petrovic đã phần nào đưa chuyên môn bóng đá Thanh Hoá tiến lên và giành được vị trí thứ năm V-League.
Đến mùa giải tiếp theo, giai đoạn hậu Covid-19 để lại những khó khăn vô cùng khắc nghiệt cả về nhân lực, tài chính. HLV Ljupko Petrovic đổ bệnh và không thể tiếp tục dẫn dắt CLB, tôi tiếp tục tìm ra 10 ứng cử viên HLV, trong đó có HLV Velizar Popov. Tôi quyết định mời HLV Velizar Popov vì nhận thấy ông ấy là người rất cá tính và hợp với tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng mời tổng cộng 5 trợ lý hỗ trợ HLV Velizar Popov các công việc khác nhau, lập thành một tổ tư vấn cho ông.

Kết quả đạt được của CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa ngoài sự cố gắng của tôi, của Tập đoàn, của Ban lãnh đạo, Ban huấn luyện CLB thì phải nói rằng, tôi rất cảm ơn những người hâm mộ, đặc biệt là nhân dân Thanh Hóa và các đồng chí lãnh đạo cũng đã trăn trở để bóng đá Thanh Hoá thay đổi.
Năm 2023 được xem là một mùa giải thành công, đó là điều tri ân lại tất cả tấm lòng của những người yêu bóng đá Thanh Hoá, yêu quê hương Thanh Hoá và những người khát vọng về màu cờ sắc áo, khát vọng xua tan, gạt bỏ đi những xấu xí thị phi của thời kỳ trước. Từ đó, đưa bóng đá xứ Thanh lên một tầng cao mới, để không những bây giờ mà đến lớp trẻ sau này sẽ có một nền bóng đá truyền thống để vươn cao, bay xa.
“Chúng tôi chỉ “mua” một ngôi sao duy nhất”
- Trong phát biểu khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa, ông từng tuyên bố:“Bóng đá là một môn thể thao có thể xây dựng được hình ảnh của quê hương, do đó cầu thủ cần phải là những người đầu tiên ý thức được điều này. Cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn cứ yên tâm đá”. Điều gì đã thôi thúc ông làm điều này?
Ông Cao Tiến Đoan: Đầu tư cho một đội bóng đá rất tốn kém về kinh tế, nhưng tôi lại đào tạo cả lứa trẻ nữa. Hiện nay, chúng tôi đang đào tạo khoảng 200 cháu từ lứa tuổi U9 đến U21, tạo thành một hệ thống bóng đá. Phải nói rằng rất tốn kém, buộc phải hy sinh rất lớn về cả vật chất lẫn tinh thần và thời gian.

Tôi cho rằng muốn giữ được cầu thủ, muốn đào tạo được lớp trẻ tốt, muốn cho đội bóng có thành tích thì trước tiên phải lo đủ cuộc sống cho các cầu thủ. Nên tôi nói rằng cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn yên tâm tập trung vào chuyên môn để đá bóng cho tốt, mang lại thành tích. Và tôi phải hết sức cố gắng để làm được điều đó. Mỗi năm, tôi đầu tư khoảng 120-130 tỷ đồng cho chương trình bóng đá trong năm.
Thực ra, cũng có những CLB thậm chí đầu tư đến 300 tỷ đồng một năm, nhưng người ta chưa thành công. Tôi nghĩ rằng lý do chúng tôi đạt được những thành tích như hiện nay là bởi thay vì mua rất nhiều ngôi sao đắt giá, chúng tôi chỉ “mua” một ngôi sao duy nhất - đó là biến cả đội bóng thành một ngôi sao đoàn kết, là một sự đồng đều.
Cần làm sạch môi trường đầu tư
- Với vai trò Chủ tịch CLB bóng đá, có thể nói ông đã bước đầu thành công. Vậy với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông có kế hoạch và chiến lược, giải pháp, đề xuất kiến nghị gì để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay?
Ông Cao Tiến Đoan: Tôi luôn trăn trở, làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung phải có trước tiên là lòng tin vào tương lai thì họ mới có thể phấn đấu. Thời gian qua, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ dịch bệnh Covid-19 tới vấn đề về phòng cháy chữa cháy, giá cả tiền tệ, tín dụng, vấn đề về thể chế, đặc biệt là trong cải cách hành chính đã “kéo ghì” tất cả.

Ngày xưa, chúng ta đua nhau để kiếm việc làm, để chạy việc làm về cho bộ phận mình, nhưng đến nay “lãnh đạo không giao việc càng tốt”, hoặc giao việc là phải đẩy cho người khác làm. Một vấn đề khác là nhiều cán bộ, công chức làm không tự tin, không biết mình làm đúng hay sai. Tôi cho rằng điều này có nguyên nhân xuất phát từ các nghị định, nghị quyết, từ chính sách Nhà nước có phần chưa rõ ràng.
Doanh nghiệp đang nằm giữa hai làn. Một làn cơ quan quản lý không chịu làm, một bên thì khuyến khích doanh nghiệp làm nhưng lại không có thể chế mở: khó ngay từ ngân hàng, khó ngay từ nghị định, nghị quyết. Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn, thì các gói hỗ trợ đưa về lại kèm theo quá nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, cuối cùng phải bỏ, các ngân hàng phải trả lại tiền về Ngân hàng Nhà nước, trong khi doanh nghiệp “đói vốn” vô cùng.
Vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, gây mất công ăn việc làm cho người lao động rất nhiều. Tất cả những điều này khiến tôi lo lắng.
Tôi cho rằng muốn giải quyết được thì việc đầu tiên cần làm là khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám làm và có thể chế bảo vệ họ và nếu họ làm sai thì người lãnh đạo hay chính quyền phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Còn đã cho doanh nghiệp làm rồi, doanh nghiệp đã bỏ vốn ra làm, thậm chí đã đi vay vốn, thế chấp tài sản riêng để có nguồn vốn làm, đã tin vào “con dấu” của Nhà nước thì phải để cho họ làm ổn định, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, tôi cho rằng cần thực hiện đúng theo câu nói của Thủ tướng Phạm Minh chính với cộng đồng nhà đầu tư: “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Người dân và công chức, người lao động và công chức, doanh nghiệp và công chức cần có lối đi chung, đồng sức, đồng lòng thì mới xây dựng được quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, dứt khoát cần “lấy tâm làm trọng”, “lấy sạch làm đẹp”. Cái “sạch” ở đây là sạch trong tư tưởng, sạch trong tâm hồn, sạch trong công việc, để làm đẹp lên việc làm của mình.
Tôi tin chắc chắn rằng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng đang rất tích cực, nỗ lực cùng với địa phương, người dân, các Bộ, ngành để thay đổi vấn đề này, để làm sạch môi trường đầu tư, để cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng. Nếu không quan tâm đến những điều này, tôi nghĩ chúng ta sẽ càng đánh rơi cơ hội, đánh rơi sự phát triển.

Cần có cơ chế mở đối với doanh nghiệp
- Là lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo một CLB bóng đá, ông thấy điểm tương đồng và khác biệt là gì?
Ông Cao Tiến Đoan: Có rất nhiều điểm khác nhau: khác ở sức lao động, rồi bản thân thù lao cho người lao động bình thường và thù lao cho cầu thủ cũng khác nhau. Tiền lương một tháng trả cho một cầu thủ có thể bằng 4-5 tháng lương của một người lao động bình thường, thậm chí nhiều hơn.
Một điểm nữa là trong bóng đá thì phải nói rằng áp lực rất lớn. Trong công việc bình thường, áp lực có thể chỉ giữa ông chủ và người lao động, có thể chỉ trong thời khắc. Nhưng trong bóng đá là áp lực suốt cả trận đấu, giải đấu, áp lực trên triệu triệu khán giả.
Về điểm giống nhau, tôi nghĩ rằng lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo một CLB bóng đá đều giống về cách quản trị con người. Với tôi, ở cả 2 cương vị, tôi đều lấy tâm làm trọng, làm chiến lược và xác định phải luôn có tầm nhìn để đánh giá được cầu thủ hay người lao động.

- Có thể nói ông đang giữ những nhiệm vụ vị trí luôn “nóng” được xã hội và nhân dân tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Ông tâm niệm điều gì để làm tốt những việc mà mình đang đảm trách?
Ông Cao Tiến Đoan: Trên cương vị một doanh nhân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, điều tôi tâm niệm đầu tiên là thượng tôn pháp luật và cùng với cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện công việc, đưa 4.0, số hóa vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Tôi luôn khuyên cộng đồng doanh nghiệp phải lấy đoàn kết để làm động lực cùng nhau phát triển, nếu “xé lẻ” sẽ không bao giờ phát triển được và đặc biệt cần chú trọng đến tiêu dùng hàng Việt Nam.
Đó là lý do chúng tôi cũng liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư còn những thủ tục khiến họ nghi ngại, không đầu tư sâu, nếu doanh nghiệp trong nước hợp tác theo từng nhóm ngành hàng sẽ rất tốt.
Tôi cho rằng Nhà nước nên quan tâm đến cơ chế mở đối với doanh nghiệp trong nước, có thể chế để kích cầu, ví dụ như lãi suất dễ chịu hoặc thẩm định tài sản đảm bảo thực tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng hơn nữa về vấn đề chỉ đạo các ngân hàng địa phương làm sao minh bạch hóa, thực hiện đúng quy định của pháp luật, nghị định của Chính phủ về các gói hỗ trợ kịp thời mà không kèm theo những điều kiện, để doanh nghiệp, người dân có thể hưởng thụ kịp thời. Như thế mới là hạt nhân để thúc đẩy được sự phát triển của doanh nghiệp, của kinh tế đất nước.
Trên cương vị là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi luôn theo dõi và cùng với các đại biểu đưa ra ý kiến xác đáng và những phản biện ngược chiều để đóng góp vào vấn đề hoàn thiện thể chế. Cả khối tập thể ý kiến thì mới đưa lên được các cấp lãnh đạo cao hơn. Tôi luôn nêu cao trách nhiệm ở tất cả cương vị của mình để có những ý kiến xác đáng, trung thực nhất.
- Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!