Cơ hội lớn cho du lịch mau chóng tái khởi động
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đại dịch Covid-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950 và đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 10 năm tăng trưởng liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009. Ngành du lịch tại nhiều quốc gia trong năm 2021 cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi, trong đó có cả Việt Nam.
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động và hiện tại đang triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai, ngành du lịch bắt đầu tái khởi động với các chương trình du lịch nội địa, thí điểm chương trình “Hộ chiếu vaccine” tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh, tiến tới nhân rộng sang các địa phương trong cả nước.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như sau: Một 1à, xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh. Hai là, xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc. Ba là, xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ. Bốn là, xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày. Năm là, xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chỉ ra một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định, cụ thể: Vấn đề kiểm soát dịch bệnh, trên thế giới khi các làn sóng dịch vẫn có nguy cơ diễn ra khi tiến hành mở cửa ở quy mô rộng và các biện pháp đảm bảo an toàn không được duy trì triệt để, cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng vi rút mới là vấn đề đáng quan ngại. Tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai và đạt tín hiệu khả quan, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch lớn độ bao phủ vaccine giữa các địa phương, cũng như sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, khó khăn của doanh nghiệp, trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài đã khiến các doanh nghiệp du lịch càng lâm vào tình cảnh khó khăn, kiệt quệ, vấn đề đặt ra là làm sao hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và phục hồi trong bối cảnh mới.
Vấn đề nhân lực du lịch cũng đáng quan tâm, đại dịch kéo dài đã khiến lao động trong ngành du lịch lâm vào tình cảnh thất nghiệp, hay chuyển việc. Tâm lý e ngại những rủi ro trong tương lai và một bộ phận nhân lực đã ổn định ở vị trí việc làm mới sẽ là khó khăn rất lớn để thực hiện được những định hướng và mục tiêu của ngành đề ra trong bối cảnh mới.
Mặt khác, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh sẽ là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam. Chất lượng sản phẩm cũng là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch, nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nguồn lao động suy giảm.
Tạo đà cho du lịch trong bối cảnh mới
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, để du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, cần có các giải pháp phục hồi, phát triển. Theo đó, cần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay.
Đồng thời, chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn.
Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.
Nhiều tỉnh, thành phố đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án để tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện bảo đảm an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt. Tuy nhiên, kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với Covid-19 là điều hoàn toàn có thể và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh.