Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình lao động việc làm quý I.2024 cho thấy, số người có việc làm quý I tăng so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I là 33,3 triệu người, tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng 696,3 nghìn người. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hầu hết lao động có việc làm phi chính thức không có BHXH (97,8%); chỉ có 0,1% được đóng BHXH bắt buộc và 2,1% đóng BHXH tự nguyện. Số lao động này hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động. Do đó, hầu như họ không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao đồng nghĩa với việc thu nhập không cao và không ổn định, người lao động về già sẽ gặp khó khăn do không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội, do bị nhiều bệnh nền... Trong khi đó, lao động phi chính thức làm những công việc hợp pháp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cần có các giải pháp để phát triển thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến lao động có việc làm phi chính thức.
Tiến tới giảm thiểu lao động phi chính thức
Theo các chuyên gia, để giảm nhanh tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, trước hết, tăng nhanh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm thiểu số tạm dừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, phá sản.
Đồng thời, đẩy nhanh việc thành lập doanh nghiệp ở nông thôn, vừa tạo điều kiện giảm tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức; khuyến khích các đơn vị quản lý lao động có việc làm phi chính thức và bản thân lao động có việc làm phi chính thức tham gia thành lập các doanh nghiệp để chuyển thành lao động có việc làm chính thức. Mặt khác, yêu cầu các doanh nghiệp khi hoạt động phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ thực tế trên, theo các chuyên gia, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức; nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức.
Được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa kết thúc việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo Dự thảo, Nhà nước sẽ hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động như vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định; hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động.
Ngoài ra, dự thảo nêu rõ, người lao động ở khu vực nông thôn đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định. Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, dự thảo cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.