Không để lọt vi phạm

- Thứ Tư, 23/11/2022, 06:00 - Bản đầy đủ

Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đây là một trong những yêu cầu được nêu rõ trong Nghị quyết Về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Không thể phủ nhận những kết quả mà ngành thanh tra đã đạt được trong thời gian qua. Hoạt động thanh tra đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Chỉ tính riêng trong năm 2022 cho thấy, công tác thanh tra được triển khai tương đối toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Cùng với hoạt động kiểm toán, hoạt động thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển 538 vụ, 306 đối tượng có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra cho cơ quan điều tra.

Bên cạnh những điểm sáng rất đáng ghi nhận này, hoạt động thanh tra cũng bộc lộ những tồn tại. Đó là việc chuyển các vụ việc có sai phạm trong quá trình thanh tra sang cơ quan điều tra ở các địa phương còn rất hạn chế. Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nhận định, vẫn còn xảy ra trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.

Tình trạng cơ quan thanh tra tại các địa phương chưa phát hiện vi phạm để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền có thể do cán bộ, công chức thực thi công vụ còn non” về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên dư luận và cử tri băn khoăn, liệu có hay không việc làm ngơ trước sai phạm trong quá trình thanh tra? Thực tế đã có những con sâu làm rầu nồi canh”, tìm cách nhũng nhiễu, vòi vĩnh đối tượng thanh tra để trục lợi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ thanh tra mà còn làm méo mó kết quả thanh tra, nguy hại hơn, hành vi tiêu cực này dẫn đến bỏ lọt tội phạm, dung dưỡng tội phạm.

Trên diễn đàn Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận, trong dư luận có phản ánh cán bộ ngành thanh tra nói chung và tại Thanh tra Chính phủ có biểu hiện, dấu hiệu tiêu cực. Đồng thời cho biết, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45, trong đó có quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra, trong đó có quy định về trách nhiệm, những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm như không được nhận tiền, quà, không được giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với đối tượng thanh tra. Đặc biệt, không được bỏ lọt, bỏ sót những vi phạm mà phải chuyển cơ quan điều tra.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, Quốc hội cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, khả thi, đúng pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rất cụ thể, phần việc còn lại là "tư lệnh" ngành thanh tra sớm bắt tay để chỉ đạo triển khai những yêu cầu này trên thực tế. Trước mắt, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ bởi cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thanh tra nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ. Có như vậy, mới không bỏ sót, bỏ lọt vi phạm, không còn xảy ra tình trạng con sâu làm rầu nồi canhảnh hưởng đến cán bộ thanh tra như đã từng xảy ra.

Lê Hùng

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP