Những chuyện đáng bàn

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:29 - Bản đầy đủ
Dù GDP năm nay chắc chắn không thể đạt 6,8% nhưng tại Kỳ họp thứ Chín đang diễn ra, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Điều này có phần khác lạ so với những gì đã xảy ra. Trong quá khứ, mỗi khi chỉ tiêu tăng trưởng có nguy cơ không đạt, Chính phủ thường xin Quốc hội điều chỉnh; để rồi kết thúc năm, bảng thành tích của Chính phủ vẫn bao gồm việc đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Một trong những lý do dẫn tới quyết định này có thể là diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới khiến nhiều yếu tố chưa thể lường được hết. Ngay đến chuyện khi nào dịch bệnh thoái trào cũng không thể dự đoán ở thời điểm này, vì thế rất khó ước lượng về GDP năm nay để đề xuất điều chỉnh.

Cũng có thể, thông qua việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ muốn khẳng định quan điểm: Cố gắng, nỗ lực để tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là bằng mọi giá, thay vào đó, tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô. Với tinh thần như vậy, Chính phủ chấp nhận gác lại mục tiêu tăng trưởng qua một bên, tập trung ban hành và thực hiện những chính sách hỗ trợ nhằm cứu doanh nghiệp qua cơn bĩ cực. Doanh nghiệp sống sót và phục hồi, ắt sẽ có tăng trưởng.

Câu chuyện đáng bàn lúc này vì thế không phải là GDP, hay điều chỉnh GDP, mà là làm cách nào để thực thi nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế, chặn đà suy thoái do đại dịch gây ra? Nếu phần lớn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vẫn chỉ đang nằm ở sự chỉ đạo, đốc thúc” và “dàn trải” như nhận xét của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 2 khả năng xảy ra. Một là, rất nhiều doanh nghiệp sẽ chết trước khi được cứu. Hai là, những doanh nghiệp có khả năng sống sót và hồi phục nhưng vẫn phải “chết” vì liều thuốc hỗ trợ chưa đủ mạnh do phải phân chia cho tất cả doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp một vài “viên thuốc”.

Kinh nghiệm từ gói kích cầu 2009 cho thấy, trong mọi tình huống, không loại trừ một số chủ đầu tư, ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt gói thầu... sẽ tranh thủ trục lợi từ những ưu đãi về chính sách. Do đó, vấn đề nữa cần bàn lúc này là làm sao để các gói kích thích kinh tế không bị lãng phí, không bị sử dụng sai mục đích?

Cảnh giác với trục lợi chính sách không bao giờ thừa vì hậu quả của nó quá lớn. Ví dụ, bất động sản là nhóm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc được vay với lãi suất ưu đãi sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường. Trường hợp các ngân hàng không thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ, họ có thể sẽ phải ôm thêm những món nợ xấu mới mà nền kinh tế phải mất hàng chục năm để giải quyết hậu quả.

Hoặc đối với giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, quan sát thời gian qua cho thấy manh nha một làn sóng các bộ, ngành đề nghị Chính phủ chỉ định thầu các dự án trọng điểm. Trong khi đó, “đặc tính” của chỉ định thầu ai cũng biết - đó là không minh bạch, là lợi ích nhóm, là cơ chế “xin - cho”, là thất thoát ngân sách…

Để ngăn ngừa hành vi trục lợi chính sách, cần giám sát chặt quá trình triển khai các gói kích thích kinh tế. Nếu phát hiện chỉ định thầu trái pháp luật, nâng giá gói thầu để trục lợi, cho vay không đúng mục đích… các cơ quan chức năng phải xử lý ngay lập tức với những chế tài nghiêm khắc. Có như vậy mới đủ sức răn đe, mới bảo đảm tiền thuế của người dân được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.

Hà Lan

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP