Bước tiến quan trọng

- Thứ Năm, 14/10/2021, 06:37 - Bản đầy đủ
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu: Hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; đồng thời, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong năm 2021.

Đây là một bước tiến rất quan trọng, có ý nghĩa phá bỏ, dập tắt tư duy “không có Covid” và chuyển hẳn sang một nhận thức mới “sống chung với Covid”. Việc thống nhất tư duy từ trên xuống dưới sẽ giúp tránh được tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp chống dịch cực đoan, trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, như đã từng xảy ra.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ, Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương quyết định các biện pháp hành chính phù hợp và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung nhưng “không trái với quy định của Trung ương”.  

Trong "hình hài" một Nghị quyết của Chính phủ, quy định thích ứng này dù là "tạm thời" nhưng đã có nền tảng pháp lý vững chắc, giúp cả nước sớm bước vào một cuộc sống bình thường mới. 

Bằng Nghị quyết này, Chính phủ cũng giải quyết được những vấn đề xung quanh tính pháp lý của Chỉ thị 15, 16, 19 khi quyết định tạm thời không áp dụng các văn bản này. Trên thực tế, mặc dù hầu hết biện pháp đã sử dụng đều hợp lý, giúp ngăn ngừa không cho dịch bệnh lây lan và được người dân chấp nhận, nhưng “trớ trêu” thay chúng lại vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật hiện hành. Đó là chưa kể, khi áp dụng các chỉ thị này, địa phương lại tùy nghi, tự ý ban hành thêm các biện pháp phòng chống dịch, dẫn đến tình trạng cát cứ, cắt khúc, gây khó khăn cho người dân. 

Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” phân loại dịch thành 4 cấp độ, đánh giá từ quy mô cấp xã và khuyến khích khoanh gọn, nhỏ hơn nữa nhằm bảo đảm sự linh hoạt và hiệu quả. Để đánh giá cấp độ dịch có 3 tiêu chí: Tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Bộ tiêu chí hành động được xây dựng cụ thể ở từng cấp độ dịch, với “room” (độ mở) nhất định để chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; siêu thị, chợ truyền thống; và cơ sở sản xuất, đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng… được phép hoạt động trong mọi cấp độ dịch với điều kiện có kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch. Như vậy, tới đây sẽ tránh được sự ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân.

Nghị quyết 128 có hiệu lực từ ngày ký ban hành, 11.10, nhưng các địa phương đang khá lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn về các tiêu chí phân loại, đánh giá cấp độ dịch và các chuyên môn y tế để các địa phương áp dụng. Tiêu chí này cần thể hiện rõ tư duy “sống chung với Covid”. Đồng thời, các vùng dịch, cấp độ dịch ở tất cả các địa phương phải được công khai và cập nhật để các địa phương có căn cứ áp dụng biện pháp quản lý người từ vùng dịch.

Hà Lan

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP