Cấp bách có giải pháp phục hồi
Đại dịch Covid-19 đã đưa du lịch thế giới trở về xuất phát điểm của 30 năm trước. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020 lượng khách du lịch quốc tế đã giảm hơn 73% tương đương gần 1 tỷ lượt so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu từ du lịch giảm 935 tỷ USD, thấp hơn 10 lần so với năm 2009 dưới sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Du lịch Việt Nam không là ngoại lệ! Trước đại dịch, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16.1.2017. Năm 2019, UNWTO xếp Việt Nam thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, với khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 755.000 tỷ đồng, chiếm 9,2% GDP.
Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch, theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019; khách du lịch nội địa giảm 34%; tổng thu từ khách du lịch giảm 59%. Bức tranh ngành du lịch càng bi đát hơn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại nước ta trên diện rộng và diễn biến phức tạp. 10 tháng năm 2021 nước ta không đón khách du lịch quốc tế; khách du lịch nội địa giảm 42,5%, tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 138.150 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Khoảng 30% lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, khoảng 35% lao động tạm nghỉ việc so với năm 2020…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid -19 nhưng lại có khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất, thậm chí bứt phá nếu có chiến lược và chính sách phù hợp, cùng sự chuẩn bị tốt nhất cho trạng thái bình thường mới. Vì vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với mong muốn lắng nghe đầy đủ và toàn diện ý kiến của chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch phân tích về cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp không khói sau 2 năm gần như đóng băng vì đại dịch. Chỉ khi hồi phục nhanh và mạnh mẽ, đến năm 2030 ngành du lịch mới có thể thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác như Nghị quyết 08 đề ra.
Làm rõ cơ hội, thách thức, đề xuất giải pháp hiệu quả
Hội thảo Du lịch 2021 là sự tiếp nối của các cơ quan của Quốc hội, nhằm làm sâu sắc thêm những vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Với phiên chuyên đề và phiên toàn thể, kết nối 20 điểm cầu trên khắp cả nước, Hội thảo được kỳ vọng sẽ làm rõ bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam với đầy đủ cơ hội và thách thức; đưa ra được những giải pháp mở cửa du lịch an toàn, giải pháp kích cầu du lịch; đề xuất các chính sách hỗ trợ trúng nhất và sát thực tiễn nhất, cấp bách "hồi sức" và tạo đà phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, thảo luận về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế; phân tích xu hướng phát triển du lịch mới hiện nay nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh diễn ra toàn cầu...
Chuẩn bị cho Hội thảo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức các cuộc làm việc, tọa đàm tham vấn chuyên gia về chủ đề và nội dung hội thảo; khảo sát tại các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và một số địa bàn trọng điểm về du lịch để nắm bắt thông tin thực tiễn cũng như trực tiếp lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Gần 100 bài viết của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia gửi đến Ban Tổ chức với nội dung phong phú và chuyên sâu, cho thấy tính thời sự cũng như sự quan tâm lớn đối với chủ đề này.
Ghi nhận từ các cuộc khảo sát, tham vấn và nội dung các bài viết cho thấy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nói chung và ngành du lịch nói riêng, giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, một số chính sách như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... chưa tạo ra tác động tích cực đối với lĩnh vực du lịch do hoạt động du lịch bị dừng ngay khi dịch bệnh xuất hiện, doanh nghiệp du lịch không có doanh thu. Hơn thế, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội cao, rất cần có những chính sách thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi ngành có chính sách khác nhau, gây khó khăn cho việc mở cửa lại hoạt động du lịch...
Việc Hội thảo Du lịch 2021 thu hút sự tham gia không chỉ của những người làm trong ngành du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, mà còn có lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố, cho thấy tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ban Tổ chức sẽ xây dựng Báo cáo kết quả Hội thảo, gửi tới các cơ quan hữu quan cũng như các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, làm căn cứ nghiên cứu, chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội vào đầu tháng 1 tới để có những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2026.