Sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh Nghị quyết số 54/2014/QH14 trên các khía cạnh cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được đề cập nhiều trong thời gian qua; đặc biệt là đã được làm rõ trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Từ góc độ thống kê cũng như cung cấp những luận điểm quan trọng, giúp trả lời câu hỏi: Vì sao ở thời điểm này lại cần có một nghị quyết mới thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.
Để phân tích tầm quan trọng của một vùng (hoặc một tỉnh), phân tích IO (Input/Output) liên vùng là một công cụ khoa học quan trọng. Nghiên cứu này dựa trên ý niệm về phân tích liên vùng nhằm mô tả cấu trúc nội tại của ngành và liên ngành cũng như cấu trúc nội tại của vùng và liên vùng của TP. Hồ Chí Minh và những vùng còn lại của Việt Nam.
Về lý luận, một quốc gia thường có những ngành có tầm quan trọng tương đối hơn so với các ngành khác trong nền kinh tế thông qua các chỉ số lan tỏa và độ nhạy. Ý niệm về phân tích liên vùng được Isard (1951) đưa ra và được cụ thể hóa bởi Harry W. Richardson (1973) và Miyazawa, K. (1976) và nó được xem như một công cụ quan trọng trong nghiên cứu về kinh tế vùng.
Tương tự như với ngành, một vùng hoặc tỉnh có tầm quan trọng riêng (theo ngành cụ thể) và một vùng nào đó có thể có tầm quan trọng lan tỏa đến nền kinh tế cả nước hơn những vùng/tỉnh khác. Và sự quan trọng của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh không chỉ phụ thuộc vào tỷ trọng GRDP của thành phố này trong GDP cả nước, mà còn là sự lan tỏa của cầu cuối cùng và sản xuất của TP. Hồ Chí Minh đến các vùng khác trong đất nước thế nào.
Nghiên cứu qua mô hình IO liên vùng của Việt Nam cho thấy, nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh. Chỉ số lan tỏa của TP. Hồ Chí Minh cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam.
Cụ thể hơn, tiêu dùng cuối cùng của TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến các vùng khác cao hơn chỉ số này của các tỉnh phía Bắc 1,6 lần, các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam là 1,72 lần. Đầu tư cũng lan tỏa mạnh đến sản xuất của các vùng khác; đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến các vùng khác hơn 2 lần xuất khẩu của các vùng khác lan tỏa đến TP. Hồ Chí Minh. Trong cả 8 vùng, TP. Hồ Chí Minh có nhiều ngành kinh tế có chỉ số lan tỏa lớn nhất. Điều này cho thấy TP. Hồ Chí Minh có nhiều ngành có thể xem là mũi nhọn không chỉ lan tỏa đến nội tại thành phố mà còn lan tỏa đến các vùng kinh tế khác và cả nước.
Tính toán từ mô hình cũng cho thấy, đầu tư ở hầu hết các vùng khác không hiệu quả bằng TP. Hồ Chí Minh. Cấu trúc kinh tế của TP. Hồ Chí Minh cho thấy tất cả các nhân tố của cầu cuối cùng đều lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm rất ấn tượng, đặc biệt là xuất khẩu và các khoản đầu tư của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý là đầu tư từ nguồn vốn nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh có mức độ lan tỏa đến sản xuất rất ấn tượng và cao hơn hẳn các vùng khác. Trong khi chỉ số lan tỏa của TP. Hồ Chí Minh là 1,51 thì Hà Nội - nơi có chỉ số này cao thứ nhì chỉ là 1,304. Chỉ số lan tỏa của đầu tư từ khu vực tư nhân của TP. Hồ Chí Minh cũng là cao nhất trong 8 vùng (1,25), tuy mức độ lan tỏa vẫn thấp hơn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước (1,25 so với 1,51). Một điều thú vị nữa là đối với tích lũy tài sản lưu động, trong khi cả bảy vùng còn lại đều có mức lan tỏa nhỏ hơn 1 thì chỉ số này của TP. Hồ Chí Minh vẫn cao hơn 1 khá nhiều.
Ngoài ra, kết quả tính toán cho thấy khi cầu cuối cùng nội tại TP. Hồ Chí Minh (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của người dân thành phố, đầu tư và xuất khẩu) tăng lên 100 đồng thì lan tỏa đến giá trị tăng thêm nội tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 89% và 11% lan tỏa tới các vùng khác. Đặc biệt, tiêu dùng của người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước đến 17%; trong khi đầu tư và xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước là 8,8,% và 8,7%. Đây là mức lan tỏa rất cao, thể hiện sự quan trọng của kinh tế thành phố với nền kinh tế cả nước.
Khi tỷ trọng GRDP của một tỉnh hay vùng nào đó trong GDP cao, nhưng các chỉ số lan tỏa và độ nhạy thấp thì không những không tốt mà còn lệch lạc về cấu trúc phân bổ nguồn lực. Nếu đầu tư của TP. Hồ Chí Minh tăng 10%, dẫn đến GRDP của thành phố có thể tăng khoảng 1,5% và GDP của cả nước tăng khoảng 0,8 - 1%.
Như vậy, đứng ở góc độ kinh tế, có thể xem TP. Hồ Chí Minh là một vùng đặc biệt quan trọng, là đầu kéo cả nền kinh tế Việt Nam phát triển. Nếu TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại, tác động không chỉ là mất đi một vài điểm phần trăm tăng trưởng của thành phố, mà còn có những ảnh hưởng lan rộng đến các vùng khác và cả nước trong những chu kỳ sản xuất sau.
Những tính toán trên đây cho thấy việc Quốc hội xem xét thông qua một Nghị quyết mới, thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết cho cả nước chứ không chỉ cho thành phố này. Hơn nữa, thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 cũng chỉ kéo dài hết năm nay. Vì vậy, cần thiết phải có ngay, có sớm một nghị quyết mới cho TP. Hồ Chí Minh, vừa để tránh sự đứt gãy cơ sở pháp lý, vừa tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, phát triển mạnh mẽ trở lại và kéo nền kinh tế cả nước đi lên!