![]() Điều dưỡng viên hướng dẫn bà mẹ cho con bú |
Chăm sóc theo đội
Được sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của Hội hữu nghị Pitea Thụy Điển – Uông Bí, mô hình chăm sóc người bệnh theo đội đã được triển khai thực hiện thí điểm tại Khoa Ngoại Tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí từ năm 1998 đến năm 2000. Từ thành công ở khoa điểm, BV đã nhân rộng mô hình chăm sóc theo đội và đến nay, BV đã có 33 đội chăm sóc tại các khoa lâm sàng (trừ Khoa Hồi sức và Cấp cứu). Đội chăm sóc gồm nhiều thành phần: bác sỹ, điều dưỡng, học sinh/sinh viên, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, hộ lý, thân nhân người bệnh và người bệnh là trung tâm phục vụ, được chăm sóc toàn diện. Đội do một điều dưỡng có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chăm sóc và khả năng quản lý làm đội trưởng. Người bệnh được chăm sóc, theo dõi một cách hệ thống, liên tục và toàn diện bởi một số thành viên y tế trong đội chăm sóc ngay từ khi nhập khoa đến khi rời khỏi khoa.
Mô hình triển khai không tốn kém về kinh tế, nhưng mang lại hiệu quả cao và nhiều lợi ích cho người bệnh, tác động tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện người bệnh. Sau khi triển khai mô hình, tư vấn về dinh dưỡng cho người bệnh đạt 93% (trước khi triển khai mô hình là 61%), hướng dẫn luyện tập thở đạt 80% (trước là 63%), chăm sóc giảm đau đạt 93% (trước là 69%). Người bệnh giảm các biến chứng do chủ động phòng ngừa: không còn bội nhiễm phổi (trước là 1,2%); nhiễm khuẩn tiết niệu chỉ còn 3,9% (trước 7,1%); nhiễm khuẩn vết thương còn 17% (trước 23,5%). Thời gian điều trị trung bình từ 18 ngày xuống còn 16 ngày… Gần 100% người bệnh, thân nhân người bệnh hài lòng với chất lượng chăm sóc, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế.
Trưởng phòng Điều dưỡng, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí Trần Thị Thảo cho biết, trong 5 năm qua, có 96 đoàn, gồm 1.649 lượt cán bộ chủ chốt của các BV miền Bắc, miền Trung đến Bệnh viện thăm quan học tập mô hình này. Thông qua Đề án 1816, Phòng Điều dưỡng đã cử cán bộ trực tiếp đến hỗ trợ triển khai mô hình tại 6 BV (2 BV tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang; 4 BV huyện: Vân Đồn, Hoàng Bồ (Quảng Ninh), Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình).
![]() Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí |
Dịch vụ người nuôi bệnh
BV Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) hiện có 242 bác sỹ và 464 điều dưỡng/hộ sinh; tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ là 2,33. Người bệnh tại BV chủ yếu là người cao tuổi, thường mắc bệnh nặng cả về thể chất và tinh thần, cần có sự hỗ trợ chăm sóc thường xuyên. Nguồn nhân lực điều dưỡng tại BV chưa đáp ứng đủ để đảm bảo chăm sóc người bệnh liên tục.
Tháng 7.2010, BV và Công ty SASOCO (một công ty cung ứng dịch vụ người nuôi bệnh) đã ký Hợp đồng nguyên tắc hợp tác chăm sóc người bệnh. BV tạo điều kiện cho Công ty đặt một bàn tiếp nhận dịch vụ chăm sóc để giao dịch với người bệnh hoặc thân nhân người bệnh khi họ có nhu cầu. Người nuôi bệnh của Công ty SASOCO được đào tạo về kỹ năng chăm sóc; tham gia chăm sóc, theo dõi người bệnh dưới sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế. Theo đó, người nuôi bệnh chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh; cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định điều trị và hướng dẫn của điều dưỡng; vận chuyển người bệnh cùng với nhân viên y tế khi chuyển khoa, hoặc đi làm các xét nghiệm; xoay trở người bệnh nặng theo giờ quy định dưới sự hướng dẫn của điều dưỡng và theo chỉ định của bác sỹ; tham gia luyện tập phục hồi chức năng cho người bệnh (trong phạm vi cho phép)...
Hoạt động dịch vụ chăm sóc người bệnh đã đáp ứng được những nhu cầu chăm sóc cơ bản của người bệnh cao tuổi; hỗ trợ một phần công việc cho điều dưỡng chăm sóc; người bệnh được chăm sóc liên tục; vệ sinh, trật tự buồng bệnh được quản lý tốt hơn. Theo bà Bùi Thu Thủy, Phòng Điều dưỡng, BV Thống Nhất, để phòng tránh những sai sót có thể xảy ra và đánh giá được hiệu quả của công tác chăm sóc hỗ trợ, đội ngũ điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng phụ trách khu vực cần quản lý, giám sát, đôn đốc thường xuyên mọi hoạt động chăm sóc.
Tư vấn, giáo dục sức khoẻ cho người bệnh
Hiện nay, tại Khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng 1, sau khi khám bệnh, bác sỹ sẽ kê và in đơn thuốc. Điều dưỡng kiểm tra lại đơn thuốc, hướng dẫn bà mẹ cách sử dụng thuốc, cách theo dõi phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh và thời điểm tái khám. Mô hình này đang dần dần hoàn thiện và tỏ ra khá hiệu quả.
Tại các khoa phòng khác, khi trẻ có chỉ định nhập viện, điều dưỡng sẽ tùy từng thời điểm cụ thể để chọn lựa các nội dung truyền đạt phù hợp. Lúc nhập viện: điều dưỡng hướng dẫn thực hiện nội quy BV, thủ tục bảo hiểm y tế, cách theo dõi phát hiện các triệu chứng nặng báo cáo nhân viên y tế. Lúc nằm viện: hướng dẫn sử dụng thuốc, cách chăm sóc, thực hiện một vài kỹ thuật đơn giản như lau mát hạ sốt, vật lý trị liệu cơ xương khớp và chế độ ăn phù hợp từng bệnh lý. Khi xuất viện: hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, kiểm tra các triệu chứng, hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà; kiểm tra đơn thuốc, dặn dò cách dùng thuốc cũng như dặn dò người bệnh tái khám theo hẹn hoặc khi có diễn biến bất thường.
Các hình thức giáo dục sức khỏe được áp dụng tại BV rất đa dạng, phong phú. Tại khu vực phòng khám, hình thức tư vấn từng trường hợp riêng lẻ được áp dụng trong tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hướng dẫn sử dụng thuốc theo đơn, cách theo dõi phát hiện dấu hiệu nặng do các điều dưỡng được phân công phụ trách quầy tư vấn sử dụng thuốc và các điều dưỡng của mỗi phòng khám đảm trách. Sinh hoạt nhóm những người nuôi bệnh được áp dụng trong các buổi sinh hoạt thân nhân hàng ngày hoặc hàng tuần ở tại khoa lâm sàng. Đặc biệt, buổi sinh hoạt các bà mẹ có con xuất viện được điều dưỡng hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà cũng mang lại hiệu quả tốt. Ngoài ra, hàng ngày, tại khoa Dinh dưỡng đều có buổi dạy nấu ăn đúng cách cho trẻ ở tuổi ăn dặm do điều dưỡng thực hiện cũng được đánh giá cao.
Định kỳ hàng tháng, BV tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bà mẹ có con mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, thu hút sự tham gia của các bà mẹ có con đang nằm viện và các bà mẹ ngoài bệnh viện. Đồng thời, các phương tiện hỗ trợ trong giáo dục sức khỏe như bảng thông tin sức khỏe tại mỗi khoa, băng đĩa hướng dẫn cách thực hiện lau mát hạ sốt, cách sử dụng thuốc đường uống, đường hậu môn, cách pha các loại thuốc kháng sinh… do các điều dưỡng, dược sỹ của bệnh viện thực hiện, đã giúp thân nhân bệnh nhi dễ tiếp thu hơn.