Chinh phục hội đồng tuyển sinh bằng các bài luận sắc bén
Ngày 29.3, Lê Vũ Minh Trí, học sinh lớp 12 Toán 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vui mừng nhận được thư báo trúng tuyển vào Đại học Harvard (Mỹ). Mức học phí tại Harvard là hơn 61 nghìn đô/năm.
Ngoài thư thông báo trúng tuyển, Minh Trí còn nhận được thư chúc mừng riêng của đại diện ban tuyển sinh Đại học Harvard. Nội dung bức thư nhấn mạnh việc cậu học trò trẻ trở thành mảnh ghép tuyệt vời trong đội ngũ sinh viên khoa Toán, Đại học Harvard. Đặc biệt, Minh Trí được cấp học bổng toàn phần 9,3 tỷ/4 năm học từ ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới.
Lê Vũ Minh Trí cho biết, với mức hỗ trợ này, cậu có thể chi trả các khoản bao gồm học phí, ăn uống, đi lại, sách vở và bảo hiểm. Nam sinh cũng đạt IELTS và SAT (bài thi chuẩn hóa, dùng xét tuyển đại học ở Mỹ) lần lượt là 8.5 và 1.550/1.600.
Khoảng tháng 4.2023, Minh Trí bắt đầu làm hồ sơ. Trí cho hay, quá trình này giúp cậu trưởng thành hơn và phát triển được các kỹ năng mềm. Cậu học trò nhận ra các giá trị mà bản thân coi trọng, đồng thời học được cách viết phù hợp để giao tiếp với ban tuyển sinh về năng lực, đam mê thông qua mô tả các hoạt động ngoại khóa, các nghiên cứu và bài luận.
"Đây là một quá trình khá khó khăn và phức tạp. Điều áp lực nhất với em chính là không biết mình ở đâu giữa hơn 50 ngàn hồ sơ nộp vào Harvard", Minh Trí tâm sự.
Để hoàn thiện hồ sơ, Đại học Harvard yêu cầu mỗi ứng viên nộp 1 bài luận chính (650 từ) và 5 bài luận phụ (200 từ). Minh Trí chọn viết về "Thành tựu, sự kiện hoặc nhận thức đã thắp sáng một giai đoạn trưởng thành và hiểu biết mới về bản thân hoặc người khác" cho bài luận chính.
Trong bài viết, Trí kể lại cảm xúc choáng ngợp khi được mẹ đưa đi tham quan triển lãm về nghệ thuật tạo hình từ các chất liệu đường dẻo. Từ hôm đó, cậu bé cấp 2 nhận ra có thể sử dụng Toán để thực hành nghệ thuật.
"Câu chuyện là bài học giúp em trưởng thành hơn trong nhận thức và xác định được những điều muốn theo đuổi trong tương lai. Đó là nâng cao năng lực sáng tạo, cố gắng làm việc nghiêm túc để trở thành người truyền cảm hứng cho cộng đồng", Lê Vũ Minh Trí nhấn mạnh.
Với 5 bài luận phụ, Trí lần lượt kể về những trải nghiệm đã hình thành nên con người hiện tại và khả năng đóng góp cho Harvard; trải nghiệm trí tuệ quan trọng; hoạt động đã định hình nên con người; cách tận dụng nền giáo dục ở Harvard và điều mà Trí muốn các bạn cùng phòng tương lai biết về mình. Các bài luận cậu đều hoàn thành nghiêm túc, chỉn chu và được đánh giá là thông minh, sắc bén.
Dành nhiều tâm huyết cho bài luận chính, nhưng Lê Vũ Minh Trí lại tâm đắc nhất với bài luận phụ "Em hy vọng sẽ sử dụng nền giáo dục ở Harvard như thế nào trong tương lai?". Cậu học trò trình bày quan điểm sẽ không để những giá trị bản thân được định hình bởi danh tiếng của trường. Thay vào đó, Trí mong muốn tận dụng tối đa cơ hội để phát triển khả năng học thuật trong chuyên ngành Toán học, cũng như nâng cao dự án giáo dục Toán học liên ngành nghệ thuật lên tầm cao mới.
Xuyên suốt bài luận, Trí tập trung nói về bản thân. Nhưng các câu chuyện đó đều trở thành sợi dây gắn kết với Đại học Harvard. Nam sinh tin rằng những nghiên cứu về toán học kết hợp với nghệ thuật đã thành công chinh phục ban tuyển sinh.
Lê Vũ Minh Trí cho biết, trong lá thư chúc mừng mà cô đại diện tuyển sinh vùng Đại học Harvard gửi cho cậu cũng nhắc đến điều này.
"Cô nói rằng phương pháp toán học kết hợp nghệ thuật là điều khiến hội đồng tuyển sinh và khoa Toán của trường ấn tượng nhất ở em. Em rất vui và tự hào khi những nghiên cứu của mình được ghi nhận", Nam sinh trường Ams nói.
Dùng Toán học "thổi hồn" vào nghệ thuật
Từ nhỏ, Lê Vũ Minh Trí đã bộc lộ niềm yêu thích mãnh liệt với môn Toán. Trong quá trình học tập, cậu học trò đạt các thành tích tiêu biểu như Á khoa chuyên Toán Kỳ thi vào cấp 3 Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam; Giải Nhì Học sinh giỏi Toán TP. Hà Nội lớp 9 và lớp 11; Giải Khuyến khích Học sinh Giỏi Toán Quốc gia 2023; Giải Nhì Học sinh Giỏi Toán Quốc gia 2024.
Theo Minh Trí, Toán là môn học công bằng, dễ phân biệt đúng, sai. Càng học sâu, Trí càng nhận thấy Toán học giúp miêu tả đặc điểm của sự vật một cách chi tiết hơn. Như thầy Eddie Woo, một giáo viên người Úc gốc Malaysia từng phát biểu rằng: "Toán học là giác quan ta không biết mình có".
Nói về sự đồng điệu giữa Toán học và nghệ thuật, Trí nhận định, đối xứng thường là quy luật, thay vì ngoại lệ. Cơ thể con người và động vật có hai nửa trái và phải, cây cối mặc dù chủ yếu không đối xứng, nhưng vẫn cho ra hoa đối xứng. Tương tự với nghệ thuật, tuy các nghệ sĩ không biết nhiều về Toán nhưng vẫn cảm nhận tốt về sự đối xứng và vẻ đẹp được tạo ra từ nó.
Trí lấy ví dụ về các kiểu lát gạch. Toán học giúp chỉ ra các phương thức đối xứng (quay, đối xứng trục, tịnh tiến và các kết hợp). Từ các tính chất đó, người thợ có thể xếp gạch để cân đối và ăn khớp với nhau.
"Khi đưa ra nhận xét về một tác phẩm bất kỳ, như mẫu lát gạch đối xứng hay chiều sâu của bức tranh mà muốn hiểu rõ hơn cách hoạt động thì Toán là phương án trợ giúp. Toán học và nghệ thuật luôn bổ trợ cho nhau", Nam sinh chuyên Toán khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Lê Vũ Minh Trí cho biết, từ nhỏ đã bắt đầu gấp các mẫu origami đơn giản (một loại nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản). Sau đó cậu phát hiện ra mối liên kết giữa Toán học và Origami. Ví dụ, có thể tinh giản các chi tiết của sự vật thành các đoạn thẳng dài tùy theo kích thước (như với con bọ cạp thì là các chân, hai càng và đuôi).
Cũng theo Trí, Robert J. Lang (nhà vật lý người Mỹ, một trong những nghệ sĩ origami và nhà nghiên cứu lý thuyết hàng đầu thế giới) cùng một số nghệ sĩ đã phát triển thuật toán để từ hình vẽ tinh giản tạo ra một bản thiết kế cơ bản cho mẫu gấp. Các khối đa diện là một chủ thể hay gặp trong origami đơn vị (tạm dịch từ modular origami, dùng nhiều miếng nhỏ ghép lại thành mẫu lớn mà không dùng biện pháp gia cố hay dán nào). Hay Fractal (hình phân dạng) vốn xuất phát từ Toán học, và vẻ đẹp kỳ thú của nó phần nhiều được khai phá bởi sự phát triển của đồ họa vi tính và cách lên màu.
Vận dụng các kiến thức học được, Minh Trí thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu Toán học cho học sinh cấp 2. Tại đây, cậu hướng dẫn học sinh sử dụng thuật toán để gấp giấy origami; vẽ fractal trên bánh macaron; giới thiệu khái niệm hình học đối xứng thông qua nghệ thuật lát gạch hay kể các câu chuyện Toán học gắn với biểu tượng khối đa diện.
"Em có thế mạnh về toán và cũng nắm bắt được một số kinh nghiệm thực hành các môn nghệ thuật. Thông qua các hoạt động sáng tạo sử dụng một số phép toán tự thiết kế, em muốn truyền cảm hứng cho các bạn học sinh có động lực học Toán hơn" Lê Vũ Minh Trí bộc bạch.
Nói về cảm xúc trước khi nhập học, Lê Vũ Minh Trí không giấu nổi sự hào hứng. Nam sinh nhận xét khoa Toán ở Đại học Harvard là nơi tập hợp những giáo sư đầu ngành - những người viết ra các quyển sách toán học dùng làm giáo trình ở các trường đại học khác. Trí vô cùng mong chờ được nghe các bài giảng đó.
Minh Trí cũng bày tỏ sự tin tưởng môi trường học tập ở Harvard sẽ thúc đẩy sự phát triển của bản thân. Bởi các sinh viên ở Harvard tuy đa dạng về gốc gác, văn
hóa, chủng tộc nhưng đều sở hữu động lực tự thân mạnh mẽ và sẵn sàng học hỏi lẫn nhau.
"Hội đồng tuyển sinh và các giáo sư khoa Toán đã đọc kỹ bài nghiên cứu của em. Điều này chứng tỏ Harvard luôn tôn trọng năng lực của ứng viên và dành thời gian tìm hiểu sâu về mỗi bạn. Nên em vô cùng trân trọng các cơ hội học tập, nghiên cứu ở nơi này", Lê Vũ Minh Trí nói.