Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết, với gần 300 hiện vật, trưng bày được xem như mảnh ghép trong bức tranh chung về di sản văn hóa, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô Huế xưa. Trưng bày không chỉ đánh thức trong mỗi chúng ta hoài niệm về những dòng sông đã đi vào lịch sử mà còn là dịp hội tụ của những người yêu quê hương, yêu văn hóa Huế có thêm điều kiện gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa. Điều đó khẳng định tiềm năng và nội lực văn hóa của người dân Huế vô cùng to lớn, cần được tôn vinh để phát huy giá trị.
Trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông” gồm 2 chủ đề. “Sông Hương kể chuyện” giới thiệu những hiện vật gốm thời Lý, Trần, Lê sơ đến nhà Nguyễn từ thế kỷ XI - XX được tìm thấy dưới dòng sông Hương (TP Huế). Các hiện vật gốm thời kỳ này cũng mang nhiều nét đặc trưng gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam nói chung và người dân vùng Cố Đô nói riêng. Trong khi đó, “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” là bộ sưu tập gốm có niên đại từ thế kỷ XVII - XX được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu, chủ yếu mang đặc trưng của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên. Những hiện vật này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của vùng đất Thừa Thiên Huế, là cơ sở về mặt khoa học và lịch sử quan trọng phục vụ trong công tác nghiên cứu.
Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đến hết ngày 15.7.