Làm rõ căn cứ rút ngắn dự án so với quy hoạch gần 12 km
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo các đại biểu, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chỉ rõ, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140km song Dự án chỉ triển khai tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8km. Do đó, cần làm rõ hơn căn cứ để triển khai rút ngắn dự án so với quy hoạch gần 12km; đồng thời, đánh giá việc thay đổi điểm đầu, điểm cuối, giảm chiều dài của dự án thì tác động như thế nào khi mà quy hoạch đã được phê duyệt?
Tán thành với quy mô đầu tư 6 làn xe của dự án, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lưu ý, quá trình triển khai cần tránh những bất cập của các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đó là, phải bố trí luôn các trạm dừng nghỉ, đặc biệt là cây xăng và trạm sạc điện cho xe điện.
Với thiết kế ban đầu dự kiến triển khai là 4 làn xe thì cần lưu ý đến làn dừng xe khẩn cấp, bởi thực tế vừa qua có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở các tuyến đường cao tốc mới hoàn thành do chỉ có 2 làn đường. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi công cần chú ý hoàn chỉnh đồng thời hệ thống kết nối dân sinh như: đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Điều hành quyết liệt, đồng bộ để công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các đại biểu chỉ rõ, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy, tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, theo thống kê thì dự án sẽ sử dụng khoảng 12 ha đất thổ cư và có một số lượng lớn dân cư, các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án. Cho nên, trong quá trình triển khai dự án thì việc đầu tiên phải đặc biệt quan tâm đến là việc tái định cư cho người dân. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, đây là dự án lớn, ảnh hưởng đến người dân tại các địa phương, đặc biệt là Bình Phước. Vì vậy, Bình Phước cần chuẩn bị ngay từ đầu, nhất là khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Như vậy, giá cả, đền bù tái định cư, bồi hoàn, hỗ trợ và định giá… phải thực hiện theo Luật Đất đai; đồng thời, khu tái định cư cần ưu tiên đầu tư trước trong thực hiện Dự án này nếu không sẽ khó thực hiện công.