Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân và nhà quản lý tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với Chuyển đổi số” do Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây.
Dư địa khởi nghiệp lớn
Trưởng Phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đinh Thị Thuỵ cho biết, hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật phải chịu nhiều thiệt hơn so với những người bình thường khác. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp người khuyết tật có thể vượt qua những rào cản nắm bắt cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Bà Thuỵ phân tích, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Con người sẽ đóng vai trò kiểm soát và điều hành nhiều hơn so với trước đó. Do đó, khoảng cách, định kiến xã hội với người khuyết tật cũng ngày càng thu hẹp thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp hiện đại, tiện lợi. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều hơn nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho người khuyết tật lao động cũng như khởi nghiệp.
“Các ngành như lập trình, thiết kế đồ họa là lĩnh vực nổi trội và được các nhà tuyển dụng săn đón. Điều đó có nghĩa, người có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong các chuỗi sản xuất giá trị cao. Ưu điểm của công việc trong lĩnh vực lập trình, thiết kế đồ họa là đề cao sản phẩm, thành phẩm và không quan trọng đến ngoại hình người lao động. Ngoài những công việc chăm sóc khách hàng, việc hỗ trợ khách hàng trên các sàn giao dịch điện tử cũng ngày càng phổ biến và đa dạng hơn… Tất cả những điều đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật”, bà Đinh Thị Thuỵ nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đó, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Hữu Tú đề nghị cần tìm giải pháp phù hợp, có hiệu quả nhất để từng bước giúp người khuyết tật khởi nghiệp có cơ hội phát huy khả năng của bản thân cho xã hội…
Đánh giá về năng lực của những người khuyết tật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam Trịnh Công Thanh chia sẻ, trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có rất nhiều người có năng lực. Họ đã nỗ lực vươn lên và là những tấm gương sáng cho các bạn trẻ khuyết tật nói riêng và những bạn trẻ nói chung noi theo trên con đường lập nghiệp. Tuy nhiên, để người thường lập nghiệp đã khó, nhưng với người khuyết tật thì khó khăn còn tăng lên gấp bội. Do đó, rất cần những chính sách đặc thù, giải pháp mang tính mở đường giúp những người tật nguyền có thể khởi nghiệp một cách thành công.
Cần chính sách mang tính mở đường
Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống Nguyễn Thị Vân cho rằng, có hai vấn đề đặt ra trong lĩnh vực đào tạo, đó là cần nắm bắt xu hướng của thị trường, xem thị trường cần gì và thị trường lao động trong tương lai cần gì. Câu chuyện đào tạo kỹ năng gì cho người khuyết tật rất quan trọng. Theo bà, cần thay đổi về tư duy đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp cho người khuyết tật, chúng ta cần tập trung vào việc đào tạo các lĩnh vực, kỹ năng cụ thể… Để cạnh tranh với thị trường, phải đầu tư dài hạn.
Để không lãng phí nguồn nhân lực, Trưởng Phòng người khuyết Đinh Thị Thuỵ cho rằng, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở địa phương, các trường lớp đào tạo nghề thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người tật nguyền. Hai bên cần có sự trao đổi về nhu cầu việc làm và yêu cầu cụ thể ở các vị trí cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, các trung tâm làm việc cũng cần tổ chức những chương trình triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, Ngày hội việc làm cho người khuyết tật... để mở ra cơ hội làm việc cho người khuyết tật, cũng là để doanh nghiệp và người lao động khuyết tật hiểu rõ về nhau hơn…
Đồng cảm với những khó khăn của những người khuyết tật, Giám đốc điều hành (CEO) Tik Tok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho biết, sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ những người khuyết tật trong việc tận dụng các lợi thế của mạng xã hội, nền tảng, sàn giao dịch điện tử để giúp người khuyết tật khởi nghiệp, kinh doanh… Thực tế, đã có rất nhiều người khuyết tật thành công trong những lĩnh vực này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, để giúp người tật nguyền có thêm cơ hội khởi nghiệp, tự lập về kinh tế, Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Bên cạnh đó, nhằm cơ hội làm người khuyết tật thì các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc nếu họ đủ tiêu chuẩn tuyển dụng. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ giúp người khuyết tật có thể tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.. từ các ngân hàng, tín dụng…