Cụ thể hóa chính sách ưu đãi
Tại tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong công tác bảo vệ môi trường, có các nguyên tắc cơ bản đã được luật hóa. Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường đưa ra 7 nguyên tắc bảo vệ môi trường. Trong đó có 4 nguyên tắc rất cơ bản: bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, của mọi tổ chức, của doanh nghiệp, của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân; trong bảo vệ môi trường, phòng ngừa là chính; người gây ô nhiễm thì phải trả tiền; và người được hưởng lợi từ môi trường thì phải đóng góp.
Những vấn đề đó đã từng bước cụ thể hóa trong chính sách ưu đãi. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10.1.2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định có 3 nhóm được ưu đãi: dự án đầu tư ngành nghề thu gom tái chế và tái xử lý chất thải; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh. Nội dung này đã được quy định tại Điều 132, 133, 134, 135 của Nghị định, quy định các chế độ ưu đãi về hỗ trợ đất đai, về vốn đầu tư, phí, thuế, lệ phí hay trợ giá sản phẩm dịch vụ về bảo vệ môi trường.
Trong Nghị định 31 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư cũng có quy định về danh mục ưu đãi đầu tư đối với hoạt động thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung. Tuy nhiên, trước ý kiến về đề xuất bổ sung lĩnh vực xử lý chất thải vào danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và danh mục ngành nghề được ưu đãi đầu tư, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhận định: Chúng ta cần phải có nghiên cứu, cân nhắc và thận trọng. Bởi nếu không cẩn thận sẽ biến Việt Nam thành nơi xử lý và chất thải tái chế rắn. Do đó, trong các quy định, cần đưa ra điều kiện về công nghệ, vốn hay năng lực của nhà đầu tư, để có “rào cản” tránh biến Việt Nam thành nơi xử lý và tái chế chất thải của khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Ưu đãi về đất đai, hạ tầng, thuế, phí là công cụ đang được thực hiện nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, có thể những ưu đãi này không phù hợp với các điều kiện trên thực tế, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Tạ Đình Thi cho rằng, có 5 vấn đề cần nghiên cứu để cụ thể hóa và làm rõ hơn trong thời gian tới:
Thứ nhất, phải xây dựng các cơ chế để thúc đẩy thị trường hóa các hoạt động xử lý và tái chế chất thải. Trong pháp luật chúng ta đã có, tuy nhiên cần cụ thể hóa và đưa chính sách vào cuộc sống là điều quan trọng. Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng thông tư về hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, thông tư này cũng chưa được ban hành.
Thứ hai, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chuyển việc thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang cho doanh nghiệp, bởi các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong chất thải rắn sinh hoạt. Hàng ngày có khoảng 70.000 tấn rác thải phát sinh, phải xử lý, giải quyết.
Thứ ba, về hạ tầng, quá trình thực thi luật nếu chưa có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng thì rất khó khăn, trong đó có hạ tầng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; bởi vậy, thiết kế hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, giữa chủ thể tham gia vào thị trường xử lý rác thải và tái chế chất thải cũng phải hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm thị trường công khai, minh bạch, công bằng giữa các chủ thể tham gia.
Thứ tư, hiện nay chúng ta quan tâm nhiều đến việc xử lý rác thải, nhưng tái chế rác cũng rất quan trọng. Đặc biệt hiện nay, khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, bảo đảm thực hiện nguyên tắc rác thải của khâu sản xuất hay sinh hoạt này là tài nguyên của quá trình sản xuất khác. Phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tái chế cần phải được quan tâm thiết kế, xây dựng các chính sách quy định cụ thể.
Bên cạnh đó là việc phát triển thị trường tín chỉ sản phẩm nhựa tái chế. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn phát thải nhựa khá lớn, trên cả đất liền và trên biển. Thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách cụ thể đã được ban hành, nhưng thực tế chưa đi vào cuộc sống. Bởi vậy, vấn đề này cần có công cụ mạnh mẽ hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần tư duy tổng hợp, toàn diện, thực hiện đồng bộ chính sách, huy động sự tham gia vào cuộc của các bên, đặc biệt là doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp tham gia thì ta phải có thị trường, phải có lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.