Bao gồm: xác định quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong kiểm soát thuốc lá mới; tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường; thay đổi nhận thức về thuốc lá mới; bảo vệ hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Khi nói đến thuốc lá mới, mọi người sẽ nghĩ đây là một lĩnh vực giới hạn chỉ có một mặt hàng là thuốc lá mới, nhưng nó lại rất rộng. Nếu đánh giá tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng thì do Bộ Y tế; đánh giá đến vấn đề sản xuất lại là nhiệm vụ của Bộ Công thương; còn nếu ở khía cạnh lưu thông hàng hoá thì thuộc sự quản lý của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; ngoài ra lĩnh vực này còn liên quan đến Bộ Tài chính...
“Tuy vậy, hiện chúng ta chỉ mới tiếp cận vấn đề này theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường. Thực tế cho thấy, muốn cấm cũng không cấm được.” ông Kiên nhấn mạnh.
"Bên cạnh đó, liên quan đến thuốc lá mới, chúng ta phải hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền và bảo vệ sức khỏe người dân. Đồng thời, cần bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với nguyên tắc tôn trọng sự vận hành của nền kinh tế thị trường."
Thứ hai, đối với thuốc lá mới, chúng ta cũng phải đi từ thống nhất trong nhận thức rồi mới đến các hành động của các bộ, ngành liên quan. Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đã cho thấy, chúng ta phải đặt ra giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt chứ không đưa ra hướng cực đoan là ngăn cấm.
Ông Kiên khẳng định: “Tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan, có những biện pháp đồng bộ về việc đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm có chất lượng, đảm bảo không thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời có giải pháp quản lý giá để thuốc lá mới không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận. Và bao trùm tất cả là bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.” Như vậy, đối với vấn đề thuốc lá mới, cần có cái nhìn tổng quan và hài hòa ở các cơ quan thực thi, nếu theo cách tuyệt đối hay quá lý thuyết thì sẽ rất khó triển khai trong thực tiễn.
“Đối với việc quản lý thuốc lá mới cần có cái nhìn khách quan và các biện pháp xử lý hài hòa. Nếu chỉ cấm và tiêu hủy cũng sẽ rất khó thực hiện. Do đó, phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp - những người đang đóng góp cho ngân sách Nhà nước,” ông Kiên lưu ý.
Thời gian qua, chúng ta đã thực thi khá hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đang lúng túng trước những vấn đề phát sinh, cụ thể là các mặt hàng thuốc lá mới xuất hiện trên thị trường.
Vì vậy, cần tập trung thảo luận các vấn đề: quản lý việc nhập khẩu, buôn bán, sử dụng các loại thuốc lá mới. Điều 3, Luật PCTHTL cũng giải thích, thuốc lá được hiểu là sử dụng những chất có chứa nicotine và có khả năng gây nghiện, có thể là gây nghiện nhanh, mạnh hoặc gây nghiện từ từ.
Về cơ bản, Luật PCTHTL vẫn bảo đảm tính pháp lý khi thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam, thì chúng ta vẫn có thể xử lý được những vấn đề mới phát sinh đối với mặt hàng thuốc lá mới.
Đối với quản lý thuốc lá mới nhập lậu qua các cửa khẩu, điều cần bàn ở đây là phải làm sao bảo vệ được cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra, thì họ phải được sử dụng sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Còn nhà sản xuất, khi họ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh có điều kiện, nộp thuế, bảo vệ môi trường thì họ phải được duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đã cân nhắc tương đối toàn diện hướng tới sự hài hòa các cái mối quan hệ và chọn lọn kinh nghiệm quốc tế. Chiến lược cũng đã có các quy định tương đối cụ thể về nhiệm vụ cần thực hiện.
“Tuy vậy, hiện các cơ quan tham mưu cho Chính phủ còn đang lúng túng ở những nghiên cứu của các cơ quan khoa học, là chưa làm hết được chức năng của mình để tham mưu chính sách cho Chính phủ. Chẳng hạn, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ hoặc tận dụng các nghiên cứu quốc tế về thuốc lá mới hay chưa? Hiện nay, việc thi hành pháp luật, nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, chúng ta thực hiện được chưa? Phải có những đánh giá như thế, thống nhất nhận định thì chúng ta mới kiến nghị được là Chính phủ giao cho Bộ Công thương hay là giao cho Bộ Y tế làm đầu mối để quản lý, kiểm soát thuốc lá mới”, ông Kiên đề xuất.
Cũng tại tọa đàm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ khẳng định, cần áp dụng nghiêm lệnh cấm mọi sản phẩm thuốc lá - dù là thuốc lá mới hay thuốc lá điếu - đến đúng đối tượng, đúng phạm vi, như cấm quảng cáo, mua bán, cho tặng… đối với trẻ em.
"Theo điều tra, lứa tuổi 13-15 có tới 60% đã được người khác cho tặng thuốc lá điện tử; 20% là mua và 2% mua từ chính các bạn của mình. Dựa trên những vấn đề đã nêu ra như trên, cần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho thuốc lá mới. Tôi nghĩ rằng, phải có những phản ứng ngay và quyết liệt để quản lý các sản phẩm này.” , ông Hạ nhấn mạnh.
“Trước mắt, nếu chưa hoàn thiện khung pháp lý để thực thi được, thì lực lượng chức năng, thực thi pháp luật phải tăng cường những biện pháp cụ thể như phòng chống buôn lậu, kiểm soát quảng cáo, nhất là trên môi trường internet. Hiện, không khó để tất cả mọi người lên mạng và tìm mua cho mình một sản phẩm thuốc lá mới với số lượng không hạn chế,” ông Hạ nêu quan điểm.