Cần đưa các môn học STEM vào bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cho rằng, cần đảm bảo các môn học STEM có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.  

Sáng 26.9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Giáo dục STEM là xu thế thời đại

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo chia sẻ, tại Mỹ, đầu những năm 90 đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM.

Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành  một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành,.... Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology,  Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001. 

Ngay từ năm 2011, trên trang web của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xuất hiện bài viết “STEM: Good Jobs Now and for the Future” do David Langdon và cộng sự công bố. Nhóm tác giả liệt kê 50 mã nghề STEM cụ thể tại nước Mỹ và được chia thành bốn nhóm: máy tính và toán học, kỹ nghệ và đo đạc, vật lý và khoa học sự sống, và quản lý STEM.

Tốc độ tăng trưởng nhân công STEM ở Mỹ là 7,9% trong giai đoạn 2000-2010 và đã tăng rất nhanh, khoảng 26% trong giai đoạn 2010-2020. Cũng theo David Langdon và cộng sự, nhân công STEM đóng một vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nền kinh tế Mỹ, là một thành phần quyết định để giúp nước Mỹ giành chiến thắng trong tương lai. 

Nhận thức được vấn đề này, nước Mỹ và các nước phát triển đặc biệt quan tâm tới đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực STEM. 

Chính phủ Canada xem người nhập cư có các kỹ năng STEM là nguồn lao động chính và cho rằng người nhập cư có kỹ năng STEM sẽ thúc đẩy các ngành nghề kinh tế của đất nước phát  triển. 

Tháng 9.2013, Thủ tướng Malaysia - ông Datuk Seri Najib Razak phát biểu: Malaysia dự kiến 60% trẻ em và thanh thiếu niên tham gia chương trình giáo dục về STEM để tạo lập sự nghiệp cho một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước. 

Hiện tại, Giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các  nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Úc, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giáo dục STEM đang là xu hướng giáo dục lớn thứ hai tại Trung Quốc và Hàn Quốc sau phong trào học tiếng Anh. 

Tuyển sinh đại học
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo

Việt Nam đã công bố 119.308 bài báo quốc tế

GS Đức cho biết, ở Việt Nam, trong các thập kỷ 1960-2010, chúng ta nói đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đất nước”. Giai đoạn sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ số 579/QĐ-TTg ngày 19.4.2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, đã chỉ ra “Xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển  giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển  của đất nước và hội nhập với các xu hướng phát triển khoa học tự nhiên,…và công nghệ trên thế giới”, là những nội hàm có liên quan đến STEM.  

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4.5.2017 của Thủ tướng về việc tăng cường năng lực  tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là văn bản lần đầu tiên chỉ rõ tầm quan trọng của  giáo dục STEM trong bối cảnh CMCN 4.0. Mới đây, năm 2022, Thủ tướng đã ký QĐ số 569/QĐ TTg ngày 11.5.2022 ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Lần thứ hai, thuật ngữ STEM đã xuất hiện trong văn kiện chiến lược chính thức của Đảng và Nhà nước. 

Theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ từ dữ liệu Scimagojr, từ 1996 đến 2022, Việt Nam công bố 119.308 bài báo quốc tế. Việt Nam từ vị trí thứ 76 năm 1996, lên vị trí 59 (số bài báo là 4.017) năm 2014 và vươn lên thứ 46 (số lượng bài báo là 18.466) năm 2022.

Tổng số lượng bài báo là 97.520 bài trong giai đoạn 2014-2022 (nguồn:www.scimagojr.com). Trong số này, chiếm phần lớn là các  công bố trong các lĩnh vực liên quan đến STEM. 

Năm 2018, lần đầu tiên 2 ĐH Quốc gia lọt vào top 1.000 các trường đại học thế giới theo bảng xếp  hạng QS. Kể từ đó cho đến nay, 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác đã liên tiếp lọt vào top 1.000 theo tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học uy tín như QS, THE, WURN. Điều đáng nhấn mạnh là tất cả các trường lọt vào các bảng xếp hạng này đều là các cơ sở đào tạo lớn và  có uy tín về STEM của Việt Nam. 

Năm 2022, ĐHQGHN có 6 lĩnh vực được xếp hạng thế giới trong bảng xếp hạng QS ranking, gồm: Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Cơ kỹ thuật, Hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học, Kinh doanh và Khoa học quản lý và Kỹ thuật điện - điện tử. Trong đó có tới 5/6 lĩnh vực thuộc top 500 thế giới. Đặc biệt, 3 lĩnh vực Toán học; Vật lý và Thiên văn học và Kinh doanh và Khoa học quản lý đều được xếp hạng số 1 tại Việt Nam.  

Từ năm 2022, QS bổ sung xếp hạng theo 5 nhóm lĩnh vực. ĐHQGHN cũng thể hiện vị thế trong xu hướng nghiên cứu khi có 3/5 nhóm lĩnh vực được xếp hạng cao là Kỹ thuật và Công nghệ xếp thứ 386, Khoa học tự nhiên xếp thứ 401-450 và Khoa học xã hội và Quản lý xếp thứ 451-500 thế giới.  

Trong năm 2022, 2023, tổ chức Research.com đã thống kê và xếp hạng các nhà khoa học về công bố quốc tế trên thế giới. Việt Nam có các nhà khoa học trong 6 lĩnh vực được ghi nhận và  xếp hạng, đó là kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, cơ  khí - hàng không, và y tế cộng đồng - đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM.  

"Những con số này cho thấy trong những năm qua, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, xu thế tự chủ và tích cực hội nhập của các trường đại học, chúng ta tự hào giáo dục đại học Việt Nam đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng và trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Hiểu nhầm STEM như môn học tích hợp

Bên cạnh những thành tựu, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng cho biết tại Việt Nam còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. 

GS Đức đưa ra so sánh, theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Mỹ, năm 2020-2021, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viêquốc tế tại Mỹ, với hơn 21.600 người. Trong đó, gần 10.000 sinh viên theo học các ngành STEM. Số sinh viên Việt tại Mỹ theo học STEM tăng liên tục trong 8 năm qua, từ 28,4% năm học 2014- 2015 lên đến 46% năm 2020-2021. 

Trong khi đó ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo bậc đại học  năm học 2022-2023 trên toàn quốc là 1.777.106 sinh viên, thì chỉ có 103.707 sinh viên khối các  ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ. Tổng quy mô hai lĩnh vực này là 254007 sinh viên, chỉ chiếm có 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học. 

GS Đức thông tin, trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM. Nhưng đa phần dư luận xã hội ở ta hiện nay lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.  

Về chất lượng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực; chẳng hạn như, tại thời điển xây dựng chiến lược nhân lực (2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học - đào tạo nhân lực là  93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.

Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam xếp hạng 113/140 (Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018) và theo một báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp năm 2022, về chất lượng đào tạo, Việt Nam đứng thứ 102/141.  

Từ số liệu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng thấy "điểm nghẽn" của giáo dục. Trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, thì môn Toán, số thí sinh có điểm dưới trung bình là thấp nhất trong các môn chuyên môn: chiếm đến 21,636% số bài thi; tiếp đó là môn Vật Lý: 14,786%. Đây là một trong 2 môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình rất cao. 

"Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tốt rất tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, và dẫu rằng chuẩn đầu ra bậc THPT trình độ chỉ A2 và phổ điểm đã có 2 "hình yên ngựa" nhưng môn Tiếng Anh vẫn có tới 44,833% dưới điểm trung bình. Tiếng Anh vẫn là "điểm đen" trong giáo dục. 

Với năng lực ngoại ngữ và các môn STEM như vậy; tuyển sinh vào đại học dễ dãi với những điểm Văn và Giáo dục công dân tràn lan điểm giỏi, thế hệ trẻ của chúng ta, đất nước chúng ta sẽ rất khó để vươn lên những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và nắm bắt những cơ hội của cuộc CMCN 4.0", GS Đức nêu qusn điểm.

Cần đưa các môn học STEM vào bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào đại học -0
Cần thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM

Giáo dục STEM phù hợp với đại học đổi mới sáng tạo

GS Đức cho rằng, để không bị tụt hậu, để hội nhập với quốc tế; để đất nước ta nắm bắt những cơ hội để đột phá trong CMCN 4.0, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc THPT, cũng như ở giáo dục bậc đại học.

Ông bày tỏ kỳ vọng, Hội thảo khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" sẽ như một tiếng chuông thức tỉnh, trước hết để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM. Cần thi hành ngay các giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam. 

Bên cạnh đó, từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mức quốc tế để xây  dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam ở bậc đại học: từ khung lý thuyết, nội  dung giảng dạy, chuẩn đầu ra. 

Song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư và phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.  

GS Đức cho hay, năm 2010, theo các nghiên cứu của Elizabeth D. Capaldi và cộng sự, có 9  chủ đề nghiên cứu chính tại các đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, gồm 6 chủ đề STEM và 3 chủ đề khác. 

Cũng theo nhóm tác giả, tại 10 đại học nghiên cứu dẫn đầu nước Mỹ năm 2010, các chủ đề STEM đóng góp từ 77,9% tới 97,8% nguồn kinh phí; nói riêng tại ĐH Harvard (Harvard University) thì tỷ lệ này là 93,1%. Tỷ lệ đóng góp của các chủ đề STEM tại các đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á  cũng cho thấy điều tương tự. 

"Như vậy, có thể thấy, lĩnh vực STEM phù hợp với xu thế thời đại và chính là yếu tố đảm bảo cho phát triển bền vững của các trường trong bối cảnh tự chủ đại học. Các nghiên cứu về khoa học giáo dục cũng chỉ ra rằng mô hình đại học trong thời đại mới cũng không còn chỉ là đại học nghiên cứu, mà phải là đại học đổi mới sáng tạo với ba trụ cột chính là nghiên cứu, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là một bài học, mô hình quý giá cho giáo dục đại học Việt Nam để các trường  đại học xây dựng chiến lược phát triển thành các đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong giai đoạn mới", GS Đức nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực STEM còn góp phần trực tiếp thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và xếp hạng của nhà trường. Bài học cho thấy nhờ có đẩy mạnh giáo dục STEM, năm 2023, Trung Quốc đã có 11 trường đại học lọt top xếp hạng 200 thế giới.

Do đó, cần tập trung đầu tư các hướng nghiên cứu hiện đại, mũi nhọn của CMCN 4.0 và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực STEM là giải pháp quan trong để gắn kết đào tạo với nghiên  cứu và gia tăng tiềm lực KHCN của cơ sở giáo dục đại học.  

Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, giáo dục STEM còn mang lại cơ hội lớn cho người học. Ở Mỹ, người được đào tạo về STEM  làm việc trong ngành máy tính có thu nhập trung bình cao nhất, đạt 105.300 USD/năm. Kỹ sư đứng thứ hai, thu nhập trung bình 102.200 USD/năm.

Theo khảo sát sơ bộ ở Việt Nam, các sinh viên học về STEM cũng dễ xin được việc làm, dễ xin học bổng học sau đại học ở nước ngoài  hơn so với các ngành học khác.

Do đó, bên cạnh đẩy mạnh giáo dục STEM, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam trong thời gian tới. Đây chính là những hành trang quan  trọng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

GS Đức nhấn  mạnh, nhân lực STEM chất lượng cao, trình độ cao chính là nguồn lực cạnh tranh quốc tế của các quốc gia phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0 và với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.  

"Chúng ta kỳ vọng từ hôm nay trở đi, STEM sẽ luôn là một trong những từ khóa trong các văn kiện, trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. STEM cũng sẽ luôn là một trong những từ khóa trong chiến lược và kế hoạch phát triển của giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông. Từ đây mở ra muôn vàn kế hoạch hành động cho các cơ sở giáo dục và các tổ chức khoa học công nghệ của nước nhà trong thời gian tới. Và đó chính là thành quả mong muốn quan trọng, đầu tiên, trước hết của hội thảo hôm nay", GS Đức nói.

Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương đề xuất xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, nhà trường áp dụng thêm một tổ hợp mới gồm toán, ngữ văn và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin học cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức điểm xét sẽ áp dụng theo quy tắc điểm toán nhân hệ số 3, điểm ngữ văn hệ số 1 và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin sẽ có hệ số 2.

Học sinh thuộc hệ thống trường Tuệ Đức trong một bữa ăn. Ảnh: fb Haseca Food...
Giáo dục

Vụ học sinh trường Tuệ Đức bị nghi ngộ độc thực phẩm: Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong trúng thầu cung cấp suất ăn những trường nào?

Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong liên quan đến vụ việc 33 học sinh bị nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại 2 cơ sở ở TP. Thủ Đức của hệ thống trường Tuệ Đức hiện cung cấp suất ăn học sinh nhiều trường; đáng chú ý, công ty này từng trượt thầu vì hồ sơ vi phạm điều cấm của Luật An toàn thực phẩm.

Phải đảm bảo công bằng trong tuyển sinh để học sinh yên tâm học tập và thi tốt
Giáo dục

Phải đảm bảo công bằng trong tuyển sinh để học sinh yên tâm học tập và thi tốt

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở GD-ĐT, các đại học, cao đẳng khẩn trương cùng phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, hiệu quả, với tinh thần "những gì khó khăn, Bộ GD-ĐT và các trường sẽ khắc phục tốt nhất cho thí sinh", để các em yên tâm học tập và thi tốt, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới
Giáo dục

Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới

Ngày 29.3, tại Quảng Ninh, đã khai mạc Hội thảo “Thắp Lửa Cùng Tiến Lên 2025” với sự tham dự của hơn 240 đại biểu là nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước với một điểm chung là: “làm sao để giáo dục Việt Nam tiến lên – mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và nhân văn hơn”.

Nhiều doanh nghiệp săn đón sinh viên ngay tại Ngày hội việc làm của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Giáo dục

Nhiều doanh nghiệp săn đón sinh viên ngay tại Ngày hội việc làm của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Ngày 29.3, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm năm 2025, với sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như thiết kế vi mạch bán dẫn, gia công cơ khí chính xác, hạ tầng viễn thông và xây dựng dân dụng, sản xuất linh kiện ô tô, dệt, nhuộm vải,…