Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng ĐỖ MINH TRỌNG: Nan giải và tốn kém
Bệnh viện được trang bị hệ thống xử lý chất thải lỏng và rắn nhưng đã xuống cấp sau vài năm sử dụng. Mặc dù hàng năm đều được nâng cấp với mức chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho một lần, nhưng trong quá trình vận hành vẫn không triệt để, khó khăn cho việc xử lý tiếp theo. Bên cạnh đó, chất thải rắn như chai lọ thủy tinh, bóng đèn huỳnh quang, nhiệt kế thủy ngân chưa tìm được đơn vị nào để hợp đồng xử lý. Đối với hệ thống xử lý chất thải lỏng bằng công nghệ vi sinh, khi hệ thống xuống cấp, bệnh viện rất khó khăn trong việc tìm đơn vị bảo dưỡng và nâng cấp. Hàng năm đơn vị phải chi gần 1 tỷ đồng cho việc xử lý chất thải y tế, trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ lại càng khó khăn hơn. Hiện bệnh viện có 190 giường kế hoạch, 22 khoa phòng phục vụ công tác khám chữa bệnh, nguồn thu chính từ viện phí, dẫn đến nguồn thu thấp, khiến bệnh viện đang phải gồng mình thực hiện trong khi ngân sách dành cho chi phí vận hành toàn bộ các hoạt động của bệnh viện bao gồm cả việc trả lương cho cán bộ, nhân viên còn rất hạn hẹp.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải VŨ XUÂN THỦY: Mong muốn có khu rác thải tập trung xa khu dân cư
Bệnh viện đang gặp không ít trở ngại trong việc xử lý chất thải y tế. Để bảo vệ môi trường, bệnh viện luôn nỗ lực thực hiện theo đúng theo quy định Thông tư 58/BTNMT. Tuy nhiên những bất cập đang trở thành mối lo, bởi chúng tôi coi việc xử lý rác thải như công tác chuyên môn, không những phải đầu tư kinh phí mà rất cần có cán bộ chuyên trách hiểu biết sâu về cách quản lý và xử lý chất thải y tế mới mang lại hiệu quả. Bệnh viện thuộc tuyến huyện nằm xa trung tâm thành phố, có 110 giường kế hoạch, nên lượng phát sinh chất thải ít. Khó khăn là việc xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, bởi tìm đơn vị xử lý và chi phí tốn kém hơn. Để việc xử lý chất thải rắn mang tính bền vững và hiệu quả, thay vì đầu tư cho mỗi đơn vị một lò đốt rác với mức kinh phí lớn, hiệu quả chưa cao, chúng tôi mong muốn tỉnh có khu xử lý rác thải tập trung chuyên nghiệp, xa khu dân cư. Như vậy, mới có thể bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần giảm gánh nặng cho các đơn vị y tế, tập trung vào công tác chuyên môn.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Hà LƯƠNG VĂN PHONG: Bảo vệ môi trường là bảo vệ người bệnh
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thái độ phục vụ, bệnh viện luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ người bệnh và bảo vệ cho chính mình. Hiểu rõ về tác hại chất thải y tế đối với môi trường, nên ban lãnh đạo đã quán triệt đội ngũ y tế luôn đề cao công tác quản lý chất thải y tế. Hiện bệnh viện giao cho khoa, phòng chuyên môn phụ trách kiểm soát từ khâu phân loại đầu nguồn đến nơi tập kết rác thải. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí và cán bộ chuyên trách về công tác xử lý chất thải y tế, nhưng bệnh viện đã nỗ lực đầu tư, dành kinh phí cho việc bảo dưỡng, duy trì hệ thống xử lý chất thải y tế, đồng thời kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường với mục đích mang lại hiệu quả cao nhất.
Đa số đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với xử lý chất thải y tế còn kiêm nhiệm nên chưa có trình độ chuyên môn sâu, chưa mang tính chuyên nghiệp, dẫn đến xử lý chất thải y tế chưa mang lại hiệu quả cao. Cán bộ, nhân viên cần cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó phải hiểu sâu về nguyên lý vận hành, kỹ thuật máy móc, thiết bị, nắm rõ công nghệ hiện đang sử dụng. Đặc biệt, nâng cao vai trò công tác nhiễm khuẩn, chú trọng đào tạo và có cơ chế thu hút cán bộ về làm việc về công tác môi trường và kiểm soát nhiễm khuẩn. Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Thái Bình Lương Đức Sơn |