Hiện nay, toàn quận Long Biên có 142 trường (mầm non có 82 trường, tiểu học có 33 trường, THCS có 27 trường) với 85.165 học sinh, 6.292 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Hệ thống trường học được qui hoạch đầu tư đồng bộ, hiện đại, số trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 79/92 trường chiếm tỷ lệ 85.9%, 4 trưởng chất lượng cao theo Luật Thủ đô, 2 trường đang thực hiện theo lộ trình chất lượng cao là điều kiện thuận lợi để thực hiện giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn quận.
Đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn đáp ứng vị trí việc làm; có ý thức phấn đấu tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kĩ năng và sáng tạo trong khai thác và ứng dụng các phần mềm vào dạy học tích cực.
Cần thống nhất về thẩm quyền tuyển dụng
Theo Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận Long Biên (Hà Nội) Đào Thị Hoa, chế độ chính sách của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quận được thực hiện minh bạch, công khai, đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, là nguồn động viên đối với cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo
Tuy nhiên, qui mô trường, lớp tăng nhanh, số lượng viên chức được giao chưa đáp ứng hệ số qui định tối thiểu, mặt khác chủ trương tỉnh giản bộ máy, giảm số lượng viên chức giai đoạn 2021-2026 giảm ít nhất 10% biên chế viên chức trong hệ thống chính trị hưởng lương từ ngân sách dẫn đến tinh trạng thiếu giáo viên.
"Thực trạng tuyển dụng các nhà giáo hiện nay đều do UBND quận giao phòng Nội vụ là cơ quan thường trực tổ chức rà soát, tham mưu chỉ tiêu và tổ chức thi tuyển, phòng GD-ĐT chỉ là đơn vị phối hợp nên việc đề xuất chỉ tiêu tuyển dụng còn chưa thực sự hiệu quả", bà Hoa nêu thực trạng.
Bà Hoa cũng cho biết, các vấn đề liên quan đến ngân sách, tài chính cho các hoạt động giáo dục, đãi ngộ, đào tạo bồi dưỡng nhà giáo thường gặp khó khăn do sự chồng chéo và không nhất quán giữa các quy định của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, bà Hoa cũng chỉ rõ, cơ chế tuyển dụng cán bộ quản lý lên làm việc tại phòng GD-ĐT cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, một số phòng GD-ĐT thiếu nhân sự, phải thực hiện cơ chế biệt phái, điều động, điều này sẽ khiến cho cán bộ quản lý này không yên tâm công tác. Đối với lãnh đạo quản lý có nhiệm kỳ bổ nhiệm và thời hạn quy định khi hết nhiệm kỳ sẽ phải luân chuyển, đôi khi luân chuyển vị trí công tác chưa phù hợp với chuyên môn.
Cùng với đó, công tác tuyển dụng chưa thống nhất giữa quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ- CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức với điểm a, Khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật Nhà giáo
Do đó, Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên Đào Thị Hoa đề xuất, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cần được trực tiếp tuyển dụng giáo viên, điều này cũng giúp giao quyền tự chủ cho các cơ sở nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng tuyển dụng nhà giáo.
Trong trường hợp cơ sở giáo dục không tổ chức được việc tuyển dụng thì cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó (cụ thể là phòng GD-ĐT) sẽ thực hiện việc tuyển dụng.
Chú trọng đào tạo bồi dưỡng giáo viên
Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên Đào Thị Hoa, việc bồi dưỡng nhà giáo sau tuyển dụng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa chỉ rõ về cơ chế tài chính thực hiện nội dung này.
Do đó, bà Hoa cho rằng, cần bổ sung nội dung cơ chế tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng trong Mục 1, chương IV dự thảo Luật Nhà giáo để các cơ quan quản lý giáo dục có cơ sở xây dựng dự toán ngân sách, đảm bảo công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả.
Cùng với đó, bà Hoa cho rằng, tại Chương V, Dự thảo Luật Nhà giáo đã xây dựng cụ thể, rõ ràng đối với chế độ chính sách cho Nhà giáo, cụ thể là Nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáo gồm Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT có vai trò quan trọng trong công tác định hướng, phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhà giáo lại chưa được quan tâm; chế độ lương còn thấp, không được hưởng phụ cấp nhà giáo, phụ cấp thâm niên.
Vì vậy, cần bổ sung chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong Luật Nhà giáo.