“Chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kỹ sư vi mạch với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm,” PGS. Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về sự sôi động của thị trường vi mạch cũng như mức độ “khát” nhân lực trong lĩnh vực này.
Xây dựng chương trình đào tạo khép kín: Thiết kế, chế tạo, nghiên cứu phát triển vi mạch
Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội) từ nhiều năm nay đã có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, đào tạo về thiết kế IC, VLSI và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Vật lý kỹ thuật, chuyên ngành về vật liệu điện tử liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Kỹ thuật Vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn.
Với các chương trình đào tạo trên, ĐHBK Hà Nội có thể cung cấp đầy đủ nội dung kiến thức cho toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp vi mạch từ thiết kế đến chế tạo, kiểm thử và cả vật liệu vi điện tử.
Hiện hàng năm có khoảng 300 sinh viên ĐHBK Hà Nội tốt nghiệp theo định hướng Điện tử có thể làm thiết kế sản xuất vi mạch. Nhiều sinh viên sau tốt nghiệp được tuyển dụng trong các công ty vi mạch lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và ở Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhiều cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đang giữ các vị trí chủ chốt trong các công ty vi mạch hoặc theo đuổi định hướng nghiên cứu tại các đại học ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp.
Năm 2023, ĐHBK Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo “Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano” đã thu hút được rất đông thí sinh đăng ký. PGS. Nguyễn Văn Quy - Trưởng khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu, ĐHBK Hà Nội chia sẻ mục tiêu của Nhà trường hướng tới việc đảm bảo cho những kỹ sư Vi điện tử tốt nghiệp từ ĐHBK Hà Nội có thể tham gia vào công việc thiết kế, chế tạo và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực Vi điện tử và Bán dẫn, góp phần vào sự phát triển và cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao này.
Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano ra đời tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên trang bị cho người học đầy đủ kiến thức và kỹ năng của cả quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói đến kiểm chuẩn cũng như phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.
Nâng dần quy mô đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch
Cùng Đại học Bách khoa Hà Nội, một số trường ĐH trong khối các trường Kỹ thuật cũng đang nâng dần quy mô đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch nhằm giải "cơn khát" cho các doanh nghiệp.
PGS. Hoàng Trang - Trưởng phòng đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP. HCM cho biết chương trình đào tạo bậc ĐH và Cao học về Thiết kế Vi mạch tại Trường đã được xây dựng từ trước và đang được điều chỉnh để đáp ứng tình hình mới. Hiện chuyên ngành Thiết kế Vi mạch thuộc ngành Điện tử - Viễn thông (bậc Đại học) và ngành Kỹ thuật Điện tử (bậc Thạc sĩ) của khoa Điện - Điện tử.
Đặc biệt, Trường còn là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch như Intel, Renesas, Marvell, Arm, Texas Instruments, Qualcomm, Samsung, Ampere Computing…, tạo điều kiện tối ưu để sinh viên tham gia thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên hợp tác với Trường tổ chức các workshop, hội thảo và các dự án nghiên cứu.
Còn Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng có các khoa Điện tử Viễn thông, Khoa học công nghệ và tiên tiến, Công nghệ thông tin trang bị các môn học về thiết kế vi mạch bán dẫn, bao gồm cả mạch tương tự và mạch số. Nhà trường có mối liên kết chặt chẽ với các công ty thiết kế vi mạch đặt tại thành phố Đà Nẵng như Renesas, Synopsys, Synapse, Savarti, FPT, …
Nhà trường được công ty Cadence hỗ trợ license cho các phần mềm mô phỏng trong thiết kế vi mạch, đây là các phần mềm theo chuẩn hóa công nghiệp nên việc sinh viên được tiếp xúc sớm với các công cụ này giúp ích rất nhiều khi các em ra trường.
Trong tương lai gần, Nhà trường dự định sẽ mở các chuyên ngành về lĩnh vực thiết kế vi mạch, kết hợp với Doanh nghiệp để xây dựng Chương trình học tiên tiến đáp ứng khả năng cung cấp nguồn nhân lực cao cho thị trường lao động.
Theo nhận định của Bloomberg, hiện Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia tiềm năng nhất trong sản xuất vi mạch trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn trên thế giới đang dần chuyển dịch khỏi trung tâm sản xuất chip truyền thống là Đài Loan và Trung Quốc.
Công ty nghiên cứu Technavio ước tính thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm.