Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25.3), nhằm xác định những căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất những giải pháp công tác xã hội, giúp đảm bảo việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động.
Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công tác xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chương trình có sự hiện diện của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; đại diện các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, các đại sứ quán; đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo ngành công tác xã hội trên thế giới.
Một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho hay, ngày 25.3.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTG phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32). Từ đó, công tác xã hội chính thức được công nhận là một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phát triển nghề công tác xã hội được ban hành, sửa đổi, bổ sung đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và đổi mới các chính sách an sinh xã hội, để ngày càng phù hợp với thực tiễn và mang tính toàn diện hơn.
Theo Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân, an sinh xã hội là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam, được bảo đảm thực hiện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm.
Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân nhìn nhận, trong lĩnh vực lao động việc làm, chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến người lao động. Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao thì vẫn còn nhiều lao động phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, biến cố xảy ra trong đời sống như thiếu hoặc mất việc làm, giảm thu nhập, ốm đau, tai nạn lao động.
Trong đó, mất việc làm được coi là rủi ro lớn nhất, bởi người lao động sẽ bị mất và giảm thu nhập, mất đi những nguồn lực kinh tế để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Họ cũng phải chịu nhiều vấn đề khác khi thất nghiệp - đó là khủng hoảng về tinh thần, ảnh hưởng đến gia đình, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến xã hội.
“Do đó, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động có vai trò rất lớn trong việc thực hiện công bằng xã hội. Người lao động cần được bảo vệ bởi hệ thống chính sách an sinh xã hội trước những rủi ro, đảm bảo được tiếp cận với các cơ hội bình đẳng”, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, với vị trí và vai trò của mình trong việc trợ giúp con người, công tác xã hội đã thể hiện rõ là ngành tiên phong trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xã hội bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Theo đó, người lao động vẫn còn gặp khó khăn trong lĩnh vực việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe. Mô hình công tác xã hội với người lao động chưa được thực hiện tại các doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chưa có cán bộ công tác xã hội trong lĩnh vực người lao động một cách chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ, can thiệp đối với người lao động kịp thời, nhằm giải quyết những vấn đề cũng như khó khăn, đáp ứng nhu cầu của họ.
Vì vậy, Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm” được tổ chức để tìm ra những căn cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất những giải pháp công tác xã hội nhằm đảm bảo việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động.
Đây là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật và kinh nghiệm, chia sẻ tri thức về vấn đề công tác xã hội với người lao động, chính sách an sinh xã hội và việc làm đối với người lao động ở Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân thông tin, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước gửi về. Điều này thể hiện sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với vấn đề công tác xã hội với người lao động, chính sách an sinh xã hội với người lao động.
Các nội dung của các bài viết và các bài tham luận cho thấy sự phong phú và đa dạng để góp phần lý giải ở góc độ lý luận và thực tiễn của công tác xã hội đối với người lao động mang tính chuyên nghiệp. Nhiều bài viết đã bám sát chủ đề của Hội thảo. Sau khi phản biện 2 vòng, Ban tổ chức đã lựa chọn được 80 bài chính thức đăng kỷ yếu Hội thảo quốc tế, trong đó có 32 bài tiếng Anh và 48 bài tiếng Việt.
Cần có tiếp cận phù hợp từ góc độ chính sách, cơ chế đến nguồn lực
Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm” tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Những vấn đề lý luận về công tác xã hội trong việc thực hiện các cơ chế an sinh xã hội, chính sách xã hội và việc làm đối với người lao động; Phát triển công tác xã hội với người lao động trong sự biến đổi và hội nhập - thực tiễn triển khai tại Việt Nam và các kinh nghiệm quốc tế; Công tác xã hội với trẻ em trong các gia đình công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong tiến trình phát triển xã hội, yêu cầu quan trọng đặt ra là cần nhận diện các vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Từ tiếp cận công tác xã hội, nhiều vấn đề xã hội khác nhau cần nhận diện và giải quyết, trong đó có những vấn đề liên quan đến lao động việc làm, giảm nghèo đa chiều, bảo hiểm xã hội.
Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, đối với lao động việc làm, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: thiếu việc làm và mất việc làm, đảm bảo việc làm thỏa đáng và bền vững, nâng cao năng suất lao động.
Liên quan đến giảm nghèo đa chiều, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tồn tại khoảng cách đáng kể về mức sống, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa người dân ở các địa phương, vùng, miền khác nhau, giữa các nhóm dân cư dân; chuẩn nghèo cần phản ánh đầy đủ hơn tình trạng nghèo của các hộ gia đình ở các vùng, miền, ở các địa phương; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cần được đánh giá đầy đủ hơn.
Đối với bảo hiểm xã hội, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm khoảng một phần ba tổng số lực lượng lao động; việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn; nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Từ tiếp cận công tác xã hội, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu sâu hơn để nhận diện cụ thể nguyên nhân, hệ quả và giải pháp đối với các vấn đề xã hội đáng quan tâm, trong đó có những vấn đề liên quan đến lao động việc làm, giảm nghèo đa chiều, bảo hiểm xã hội trong tiến trình phát triển xã hội hiện nay và thời gian tới.
“Điểm đáng lưu ý là việc giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, những vấn đề đặt ra cụ thể ở trên nói riêng, cần có tiếp cận phù hợp từ góc độ chính sách, cơ chế, đến nguồn lực và thực tế tổ chức thực hiện chính sách, sử dụng nguồn lực”, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh nói.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho rằng, với các tham luận, phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, chúng ta được biết bức tranh toàn cảnh về công tác xã hội nói chung và nghề công tác xã hội nói riêng ở cả khía cạnh về lý luận, thực tiễn. Từ đó, đề xuất ra các nhóm vấn đề, các giải pháp căn cơ, bài bản để Nhà nước và tổ chức công đoàn có những quyết định đúng, trúng đối với công tác xã hội.
Được biết, bên cạnh Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm”, Trường Đại học Công đoàn cũng tổ chức chương trình chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 vào ngày 22.3.
Chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 do Trường Đại học Công đoàn tổ chức là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh các hoạt động phát triển công tác xã hội, đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.