Cụ thể, miền Nam có trên 7,5 nghìn ca (chiếm 74,1%); miền Bắc trên 1,3 nghìn ca (chiếm 13,3%); miền Trung trên 1 nghìn ca (chiếm 9,8%) và Tây Nguyên là trên 200 ca (chiếm 2,8%).
Về bệnh sốt xuất huyết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.542 ca mắc, trong đó miền Nam trên 8,1 nghìn ca (chiếm 56,1%); miền Trung trên 4,7 nghìn ca (chiếm 32,9%); miền Bắc trên 800 ca (chiếm 6%) và Tây Nguyên trên 700 ca (chiếm 5%). Đáng chú ý, type virus D2 chiếm tới 70,7% số ca mắc.
Về bệnh cúm A (H9N2), đã ghi nhận 1 ca tại tỉnh Tiền Giang, hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Y tế dự phòng đánh giá, cúm A (H9N2) trên gia cầm ít gây bệnh, hơn nữa gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát bên ngành thú y khó khăn. Đây là chủng độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu và chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người.
Cục Y tế dự phòng cũng báo cáo về một số bệnh có ca mắc tăng cao như sởi với 130 ca mắc (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023); bệnh ho gà ghi nhận 118 ca, (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Nguyên nhân được xác định là do gián đoạn trong tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19…
Theo Bộ Y tế, hiện trên thế giới một số bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi, sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Tại Việt Nam, công tác phòng chống các dịch bệnh đã triển khai với quan điểm phòng chống từ xa, từ sớm. Với diễn biến phức tạp của khí hậu, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, công tác phòng chống dịch bệnh càng cần được tăng cường hơn từ các địa phương, ban ngành.
Đa số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành vẫn được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây đã ghi nhận một số bệnh tăng cao như tay chân miệng (tăng cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023), đặc biệt sau thời gian dài đã ghi nhận ca tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.