Đề nghị xử nghiêm lý cá nhân, tổ chức đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật về sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT cho biết những ngày vừa qua, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa phổ thông hiện hành như: Giã gao thổi cơm, Bạn An dũng cảm, Bắn tung tóe, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó,... Những thông tin này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về sách giáo khoa, người viết sách giáo khoa và ngành giáo dục.
Bộ GD-ĐT khẳng định, các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa hiện hành nào đang được sử dụng tại các nhà trường.
Trước vụ việc trên, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên.
Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, sai sự thật khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.
Hàng loạt học sinh Hà Nội đau bụng sau bữa ăn bán trú
Sau bữa ăn bán trú trưa ngày 13.10, khoảng 24 học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) có biểu hiện đi ngoài, đau bụng, buồn nôn. Trong đó, 10 học sinh được gia đình đưa đi khám tại các cơ sở y tế (8 học sinh được về theo dõi tại nhà, 2 em nằm viện).
Theo Trường Tiểu học Thành Công B, thực đơn suất ăn bán trú của học sinh trưa 13.10 bao gồm mỳ Ý, xúc xích, bánh mì Staff (bữa chiều). Tuy nhiên, cũng theo phía nhà trường, từ thời điểm học sinh ăn bữa trưa 13.10 đến chiều 14.10, không ghi nhận học sinh nào có biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Đến tối 15.10, một số phụ huynh thông tin trên nhóm zalo của lớp về việc học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, đi ngoài.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B cho hay, nhà trường đã mời đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp cùng đơn vị cung cấp suất ăn làm rõ nguyên nhân và tác nhân gây ngộ độc nếu có. Nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm các lớp theo dõi báo cáo sức khỏe học sinh, đặc biệt học sinh thăm khám tại bệnh viện.
Hiện các mẫu thức ăn đang được đưa đi xét nghiệm và sẽ được công bố khi có kết quả.
Phụ huynh bức xúc khi suất ăn bán trú giá 32.000 đồng chỉ “lèo tèo” thức ăn
Một số phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã đột xuất tới trường kiểm tra bữa ăn bán trú của con vào các ngày 11 – 12.10 và bức xúc khi thấy bữa ăn chỉ “lèo tèo vài cọng giá, một miếng giò, vài miếng cá rán, một ít khoai tây”.
Theo biên bản làm việc của phụ huynh với nhà trường ngày 11.10, tổng số suất ăn là 500, nhưng số lượng thực phẩm sống nhập vào chỉ gồm: Cá rô phi 29kg, giò nạc 12,5kg, nạc mông 0,5kg (dùng để nấu canh).
“Như vậy, số thực phẩm nhập vào chia cho các cháu chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng mỗi suất ăn. Cộng cả tiền thuế VAT, tiền thuê nhân công, tiền ga, điện, mắm muối, khấu hao đồ dùng hay lợi nhuận doanh nghiệp… cũng không thể lên tới 32.000 đồng”, một phụ huynh bức xúc lên tiếng và khẳng định, suất cơm 32.000 đồng nhưng chất lượng như vậy là không đảm bảo.
Tại cuộc họp 3 bên giữa nhà trường, hội phụ huynh và công ty cung cấp suất ăn vào chiều ngày 17.10, đại diện Công ty đã xin lỗi phụ huynh về những sự việc xảy ra vừa qua. Theo vị này, số lượng suất ăn trong một buổi nhiều và chia trong vòng 30 phút để đảm bảo thức ăn nóng, do chỉ có vài nhân viên phục vụ nên các suất ăn chưa được chia đều nhau. Các nhân viên chia thức ăn đã nhận lỗi về việc này. Phía công ty cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm và nhận thiếu sót, cử bổ sung người về giám sát bếp ăn.
Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa cũng nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn do chưa bố trí cán bộ giám sát trong quy trình này và cho biết sẽ làm việc với ban đại diện phụ huynh học sinh để xin rút kinh nghiệm, cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú, không để lặp lại sự việc.
648 ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận GS, PGS năm 2023
PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, năm 2023, có tổng số 744 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Trong đó, có 79 ứng viên GS, 665 ứng viên PGS.
Các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đã xét đạt và đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 651 người, gồm 60 ứng viên GS, 591 ứng viên PGS. Như vậy, có 93 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS.
Sau khi xét đạt ở Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, tiếp tục có 3 ứng viên PGS nộp đơn xin rút hồ sơ.
Như vậy, tổng hồ sơ 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đưa lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước là 648 ứng viên, gồm 60 ứng viên GS, 588 ứng viên PGS (đã bao gồm ngành Khoa học An ninh và ngành Khoa học Quân sự).
Từ danh sách ứng viên này, Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ tổ chức các phiên họp để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023.
Bình Thuận: Người nhà học sinh tới tận nhà, đánh thầy hiệu phó gãy mũi, chấn thương hàm
Theo báo cáo của trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận), ngày 13.10, Ban ngoài giờ của nhà trường gồm thầy Hiệu phó Nguyễn Đình Thiều, thầy Phạm Quốc Trọng, Bí thư đoàn trường, trưởng ban Quản sinh và cô Nguyễn Thị Thanh Lành, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A2, mời một nam sinh lớp 11A2 xuống phòng quản sinh để phối hợp làm việc.
Lý do liên quan đến vụ việc gần đây, có hiện tượng học sinh lớp 11A2 nhận được lời mời kết bạn của nhiều tài khoản Facebook lạ. Các tài khoản Facebook này đã lấy ảnh của nhiều học sinh và giáo viên trong nhà trường làm đại diện đồng thời đăng tải những thông tin xấu, thiếu chuẩn mực, không lành mạnh làm ảnh hưởng môi trường giáo dục của nhà trường.
Đến ngày 14.10, cha của học sinh trên cùng nhóm thanh niên tìm đến nhà thầy Trọng và thầy Thiều để bày tỏ sự bức xúc. Trong lúc nói chuyện giữa thầy Thiều và phụ huynh học sinh, một thanh niên đi cùng phụ huynh đã tấn công thầy Thiều gây thương tích nghiêm trọng dẫn đến thầy phải đi cấp cứu tại Bệnh viện. Sau khi hành hung thầy Thiều, phụ huynh và những người đi cùng đến nhà thầy Phạm Quốc Trọng nhưng thầy Trọng đã lánh mặt. Hiện nay, thầy Nguyễn Đình Thiều được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) trong tình trạng gãy mũi, chấn thương hàm và tụ máu mắt trái.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Hiệu trưởng trường THPT Hàm Tân khẩn trương chăm lo sức khỏe, an toàn tính mạng của thầy Nguyễn Đình Thiều; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thăm hỏi, động viên kịp thời đến thầy Thiều và gia đình.
Sở cũng yêu cầu trường THPT Hàm Tân phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan làm rõ vụ việc và xử lý kịp thời vụ việc xảy ra.