Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại việc ưu tiên chứng chỉ IELTS trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết tới đây, Bộ sẽ xem xét lại về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và trong việc thay thế tuyển sinh đầu vào.

Sẽ xem xét lại về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để “thay điểm thi”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, triển khai năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở GD-ĐT vừa qua, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết tới đây, Bộ sẽ xem xét lại về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và trong việc thay thế tuyển sinh đầu vào.

Theo đó, ông Chương cho biết năm qua, công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn từng bước đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.

Điều này dẫn đến việc nhiều tổ chức, đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sau ngày 10.9.2022 khi chưa được Bộ phê duyệt, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi. Đặc biệt, việc này ảnh hưởng tới  học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT.

Ông Chương cho biết tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT.

Liên quan tới những tranh luận của dư luận về tuyển sinh đầu cấp có chứng chỉ ngoại ngữ, ông Chương cũng cho biết trong thông tư mới, Bộ sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế tuyển sinh đầu vào.

"Chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những cái chúng ta hội nhập thì không thể không có. Sắp tới, ta bàn thêm ưu tiên điểm này vào thay thế thi ở mức độ nào. Điều này thì chắc chắn trong thông tư mới sau đấy sẽ bàn thêm", ông Chương nói.

Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh như IELTS, TOEIC được ưa chuộng trong tuyển sinh. Các chứng chỉ này được dùng chủ yếu trong xét miễn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT quy định các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp gồm: Thành viên đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ và đạt điểm tối thiểu theo quy định của Bộ.

Điểm tối thiểu của chứng chỉ ngoại ngữ và đơn vị cấp chứng chỉ cho môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể. Trong đó, mức điểm tối thiểu của chứng chỉ tiếng Anh được quy định TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm và IELTS 4.0 điểm. Các trường hợp miễn thi ngoại ngữ được tính 10 điểm môn ngoại ngữ, điểm này không dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Trong xét tuyển đại học, rất nhiều trường chọn dùng các chứng chỉ IELTS, TOEFL... để tuyển sinh đầu vào, quy đổi chứng chỉ theo thang điểm riêng, kết hợp với những yếu tố khác như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi Đánh giá năng lực để tính điểm xét tuyển.

Trong dư luận, một số ý kiến cho rằng việc “ưu ái” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ khiến thí sinh khác không có điều kiện tiếp xúc học tiếng Anh thiệt thòi. Một số ý kiến khác cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn, năng lực của người học, “không thể sử dụng IELTS để đánh giá năng lực chuyên môn về kinh tế hay kỹ thuật,…”.

Xem xét việc ưu tiên chứng chỉ IELTS trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh: Bộ GD-ĐT cần đánh giá khách quan -0
Rất nhiều trường đại học chọn dùng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh đầu vào (Hình minh hoạ)

Bộ GD-ĐT cần có sự tổng kết, đánh giá một cách khách quan

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, một chuyên gia tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, trong công tác tuyển sinh của trường này, việc xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được xác thực, kết hợp với các bài thi Đánh giá năng lực cũng như điểm thi tốt nghiệp THPT.

Vai trò của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế chỉ chiếm một phần, là một tiêu chí trong một phương thức xét tuyển. Các tiêu chí khác để đảm bảo năng lực của người học vẫn phải đảm bảo, như trong tất cả các phương thức xét tuyển của trường đều có điểm thi của môn Toán, hoặc kết hợp với bài thi Đánh giá năng lực của 2 Đại học quốc gia cũng đã được kiểm chứng về chất lượng.

Ông chia sẻ, thực tế, các trường đại học đều kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với một bài thi hoặc điểm thi nào đó để xét tuyển đầu vào. Riêng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chưa từng dùng riêng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển, bởi chứng chỉ này chỉ phản ánh khả năng, kỹ năng ngôn ngữ; chỉ thay thế, tương đương với học phần tiếng Anh của thí sinh. Những yếu tố khác, đặc biệt là tư duy về Toán học cần phải có của thí sinh luôn được chú trọng.

“Nếu đánh giá rằng phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đại học là có vấn đề hoặc dư luận có ý kiến thì chúng ta cần có sự tổng kết, đánh giá một cách khách quan, bằng cách dựa vào kết quả học tập trong trường đại học của nhóm đối tượng xét tuyển theo phương thức này. Từ đó, chúng ta mới đưa ra được những định hướng đúng đắn”, chuyên gia này nói.

Theo đó, qua đánh giá sơ bộ của riêng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với nhóm sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả học tập của các em không thấp hơn, thậm chí là cao hơn nhóm sinh viên đầu vào xét tuyển thuần tuý dựa vào điểm thi 3 môn.

Chuyên gia này nhấn mạnh, tính phổ quát của việc tuyển sinh để đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Do đó, bên cạnh phương thức xét tuyển kết hợp có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi 3 môn. Đồng thời, trong phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng có kết hợp với điểm thi 2 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đó, tạo ra cơ hội tiếp cận cho phần lớn các em thí sinh có mong muốn được xét tuyển vào trường.

“Hiện nay, nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế một cách đa dạng cũng thể hiện đúng tinh thần tự chủ của các trường đại học. Nếu có ý kiến nói rằng không cho dùng nữa thì theo tôi cũng không phù hợp với xu hướng quốc tế, cũng như với Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Tôi cho rằng, để hợp lý nhất thì Bộ GD-ĐT nên ngồi với các trường đại học để xem xét một cách đầy đủ, khách quan, từ đó có định hướng đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống giáo dục đại học của chúng ta”, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Năm 2023, có khoảng 11.000 hồ sơ đăng ký vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trong số này, hơn 70% thí sinh đạt từ IELTS 6.5 trở lên. Mức điểm IELTS phổ biến thí sinh đạt được là 7.0.

Giáo dục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích cách quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 đang gây tranh luận

Chiều ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về cách quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học năm 2025, đang gây tranh luận trên các diễn đàn như cách tính điểm quy đổi giữa các phương thức tuyển sinh?, nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào?, độ tin cậy về dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ khi xét tuyển đại học?...

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57
Giáo dục

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57

Chiều 3.4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp theo nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm
Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.