Sáng 11.10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2023, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường: xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược gay gắt, lạm phát ở mức cao, suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chỉnh phủ, các chỉ đạo của Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nên hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tương đối tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo; tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%, dịch vụ tăng 6,9%, nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,3%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm tăng 5,8%.
Sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn chuyển đổi số nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng đơn hàng giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 4,0% (cùng kỳ tăng 8,6%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 1,1%; công nghiệp chế biến tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước giảm 0,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,6%.
Về hoạt động khu công nghiệp và cụm công nghiệp: các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn đạt 2.003 tỷ đồng (bằng 55,5% so với cùng kỳ), các KCN đã cho thuê 10,3ha đất và 45,1 nghìn m2 nhà xưởng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 590 triệu USD (chiếm 46% cả tỉnh). Các doanh nghiệp trong KCN đã giải ngân 1,3 tỷ USD, doanh thu đạt 22 tỷ USD, xuất khẩu đạt 15,5 tỷ USD (chiếm 67,4% cả tỉnh).
Tập trung triển khai thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp VSIP 3 giai đoạn 2, các thủ tục đầu tư KCN Cây Trường theo quy định.
Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,1 tỷ USD, giảm 14,8%.
Về đầu tư công, tính đến ngày 15.9.2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.657 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch năm 2023 HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 37,8%) và đạt 79,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước, trong đó đầu tư trong nước tính đến ngày 15.9.2023 đã thu hút 63.858 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 3,9% so với cùng kỳ), gồm 4.728 doanh nghiệp đăng ký mới (36.266 tỷ đồng) và 1.220 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn (36.113 tỷ đồng); có 74 doanh nghiệp giảm vốn (4.639 tỷ đồng) và 485 doanh nghiệp giải thể (3.882 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.016 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 694 nghìn tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài (đến 15/9/2023) đã thu hút 1 tỷ 280 triệu USD (đạt 71,1% kế hoạch, bằng 49% so với cùng kỳ), gồm 85 dự án mới (459 triệu USD), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (82 triệu USD), 97 dự án góp vốn (755 triệu USD); có 4 dự án giảm vốn (16 triệu USD). Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 4.167 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40,2 tỷ USD.
Về quy hoạch và phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương đang khẩn trương rà soát, tích hợp các quy hoạch thành phần, tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Bến Cát, TP Thuận An; quyết định Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Thủ Dầu Một (quy hoạch năm 2012). Tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên cũng như các địa phương còn lại; công bố Dĩ An là đô thị loại II; triển khai chỉnh trang, nâng cấp đô thị, khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị; theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả nguyên vật liệu ngành xây dựng.
Giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện Đề án cây xanh đô thị.
Hoàn thiện Bộ thiết kế điển hình, thiết kế mẫu đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê; rà soát phương án sử dụng đất, trụ sở các cơ quan, ban ngành trên địa bàn TP Thủ Dầu Một sau khi đã di dời vào Trung tâm Hành chính; nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị ven sông Sài Gòn và dọc các tuyến đường trọng điểm.
Đối với lĩnh văn hoá – xã hội, tỉnh Bình Dương đã quan tâm đến công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm. Các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng chính sách, xã hội, người nghèo và công nhân trong dịp Lễ, Tết được triển khai thực hiện chu đáo (chi 793 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán 2023 và 30,1 tỷ đồng dịp Lễ 27.7); cấp 18.579 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo; xây dựng và sửa chữa 30 căn nhà tình nghĩa (2 tỷ đồng).
Trong 9 tháng đầu năm, có hơn 93 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, chủ yếu tập trung ở ngành da giầy, may mặc, chế biến gỗ. Tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tìm việc làm; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn; chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.